Chiều nay (28.3), Bộ Tài chính phối hợp UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam.

Xây dựng TTTC là nền tảng để TP.HCM nâng cao năng lực quản lý đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các quốc gia
4 yếu tố đưa TP.HCM thành đầu tàu cho chiến lược quốc gia
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết TTTC không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc gia. Đây là cơ hội nâng cao hiệu quả, phân bổ nguồn lực và mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (DN) trong phát triển hạ tầng, khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu.
Việc xây dựng TTTC quốc tế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế xã hội tích cực cho TP.HCM mà còn tạo sự lan tỏa cho các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TP.HCM nâng cao năng lực quản lý đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các quốc gia.
Chủ tịch TP phân tích: TP.HCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này, thể hiện qua 4 yếu tố chiến lược: Đầu tiên, TP.HCM có nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng. TP đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước và chiếm hơn 25,3% tổng ngân sách quốc gia, gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đây là trung tâm thương mại dịch vụ tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ lớn trong và ngoài nước...
Thứ hai, những thiết chế cơ bản của thị trường tài chính hiện đại như thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng số và các ứng dụng tài chính công nghệ đã được vận hành bài bản tại TP.HCM. Gần đây nhất, Việt Nam cũng đã nghiên cứu áp dụng cơ chế sandbox, thí điểm fintech và các sáng tạo chuyển đổi số thuận lợi cho các quỹ đầu tư tiếp cận các dự án công nghệ, sáng tạo.
Cùng với đó, TP.HCM có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Thị trường tài chính của TP đã có những kết nối chặt chẽ với các TTTC lớn trong khu vực như Singapore, Hongkong, Thượng Hải... Các cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn xung quanh cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái xung quanh TTTC.

Phối cảnh TTTC quốc tế tại TP.HCM theo nghiên cứu của Sở Tài chính TP
Yếu tố thứ tư là quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ từ Trung ương tới địa phương, xác định phát triển TP.HCM trở thành TTTC quốc tế là định hướng chiến lược. Song song, TP luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và chú trọng phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
"Tuy TP đang sở hữu những điều kiện thuận lợi nhưng thực tế khi đi vào triển khai còn không ít khó khăn, thách thức. TP rất mong các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, tổ chức tư vấn, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng TP, đề xuất các chính sách, chia sẻ kinh nghiệm những mô hình đã thành công trên thế giới, hỗ trợ thu hút nguồn lực, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào TTTC TP.HCM. TP cam kết đồng hành cùng trung ương, DN, các nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước hình thành TTTC toàn diện, nơi quy tụ các dòng vốn chất lượng, tri thức sáng tạo, đột phá theo các chuẩn mực quốc tế" - ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Đề xuất TTTC 687 ha, phần lõi nằm ở Thủ Thiêm
Liên quan tới đề án xây dựng TTTC TP.HCM, qua quá trình khảo sát thực địa cùng lãnh đạo thành phố cũng như tham khảo ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan, đồng thời căn cứ tính chất, quy mô của các TTTC trên thế giới, Sở Tài Chính TP.HCM đề xuất 2 phương án.
Trong đó, phương án 1, TTTC được xác định bố trí tại một phần khu lõi trung tâm thương mại - tài chính (CBD) (Phân khu 1) và một phần diện diện tích Q.1 nằm trong khu lân cận lõi trung tâm (Phân khu 5) của khu trung tâm hiện hữu TP.
Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phần lớn khu lõi trung tâm (CBD), khu chức năng số 1, khu chức năng số 2a, khu chức năng số 2b và khu chức năng số 2c của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng diện tích 340 ha.

Sở Tài chính đánh giá ưu điểm của phương án này là phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời thống nhất với phương án đề xuất tại đề án đã báo cáo và được Bộ Chính trị chủ trương thông qua. Bên cạnh đó, diện tích 340 ha thể hiện quy mô tương đồng khi so sánh với các TTTC trên thế giới, có thể huy động nguồn lực đầu tư xây dựng ngay. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án là quy mô nhỏ làm hạn chế dư địa phát triển.
Với phương án 2, việc bố trí các phân khu và diện tích TTTC tại Q.1 cũng tương đồng với phương án 1. Tuy nhiên, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được bố trí toàn bộ các phân khu chức năng (trừ phân khu 8) với diện tích khoảng 564 ha. Tổng diện tích TTTC TP.HCM theo tính toán khoảng 687 ha.

Theo Sở Tài chính, với quy mô lớn, việc xây dựng TTTC như phương án 2 sẽ có nhiều dư địa phát triển. Các tiêu chí sử dụng đất đáp ứng điều kiện để xây dựng một TTTC tầm cỡ quốc tế có bao gồm các dịch vụ phụ trợ đi kèm. Tuy vậy, phương án này vẫn còn nhược điểm là chưa tương đồng với quy mô của các TTTC đã đầu tư thành công trên thế giới, quy mô đầu tư lớn nên khó huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện trong thời gian ngắn.
So sánh giữa hai phương án có thể thấy chỉ khác nhau về quy mô diện tích, các nội dung khác cơ bản tương đồng. Sở Tài Chính kiến nghị chọn phương án 2 để bố trí không gian tại TTTC. Việc đề xuất này đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính Trị và phù hợp quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền tư Trung ương đến địa phương phê duyệt.

Quận 1 hiện nay đang là khu trung tâm tài chính hiện hữu, các hoạt động về tài chính, thương mại, ngân hàng, logistic, công nghệ thông tin, đang diễn ra sôi nổi. Khi bố trí TTTC quốc tế tại khu vực này có thể đảm bảo hoạt động ngay

Tại khu vực Thủ Thiêm: hiện trạng phần lớn là đất trống, là khu vực phát triển mới hiện đang kêu gọi đầu tư với quy mô lớn cả về hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm, đảm bảo kết nối đồng bộ hiện đại xứng tầm quốc tế
Trong 687 ha dự kiến thu hút đầu tư, sẽ có 9,2 ha của 11 phân khu tại khu lõi của khu đô thị mới Thủ Thiêm dự kiến đầu tư xây dựng các cơ quan quản lý hoạt động trung tâm tài chính, cơ quan tài phán, cơ quan giám sát hoạt động và các tòa nhà tài chính hiện đại.