Ngày 23.4, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, trong đó có nội dung về lựa chọn trụ sở và đặt tên mới.

Trụ sở phường, xã mới ở Hà Tĩnh phải nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, giao thông phát triển
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Theo hướng dẫn trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành, việc lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị sau khi thành lập phường, xã mới phải đảm bảo các tiêu chí như: trụ sở phải có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển, dễ dàng kết nối với các khu vực trong xã và vùng ngoài; cơ sở mới cần có không gian phát triển trong tương lai, bảo đảm quốc phòng an ninh…
Còn việc đặt tên cho đơn vị hành chính phường, xã mới sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Trong đó, ưu tiên sử dụng tên đơn vị hành chính cấp huyện trước sắp xếp để đặt tên cho 1 đơn vị xã, phường mới sau sắp xếp. Sử dụng một trong các tên gọi của các xã, phường trước khi sắp xếp để đặt tên cho đơn vị mới (không sử dụng tên ghép đã sáp nhập giai đoạn từ 2019 đến nay).
Ngoài ra, tên gọi để đặt cho phường, xã mới phải có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, dễ nhận diện và ưu tiên nơi có dân số đông nhất trong các xã được sắp xếp (trừ các xã mới sáp nhập giai đoạn 2019 đến nay).
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 22.4, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để lấy ý kiến nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 209 đơn vị, sẽ sắp xếp còn 69 đơn vị (giảm 140 xã, đạt tỷ lệ 67%). Sau sắp xếp, toàn tỉnh Hà Tĩnh còn 9 phường và 60 xã.