Doanh nghiệp tính 'triệu hồi' hàng đang trên đường tới Mỹ vì thuế đối ứng

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP.Đà Nẵng) nói: "Đối với chúng tôi, ngoài mức thuế cao gây sốc thì điều bất ngờ nhất là thời gian áp dụng thuế đối ứng rất gấp, từ ngày 9.4 tới. Điều này khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Hiện nay, chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác có nhiều lô hàng đang trên đường tới Mỹ và sẽ cập cảng sau ngày 9.4. Với thông báo mới này, khi hàng cập cảng sẽ bị áp thuế, trừ một số hợp đồng C&F nhà nhập khẩu phải chịu nhưng rất ít doanh nghiệp Việt xuất hàng dạng này. Mức thuế như vậy ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp".

Doanh nghiệp muốn 'triệu hồi hàng về' vì thuế đối ứng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp đang tính đến cả phương án triệu hồi hàng về vì thuế đối ứng của Mỹ

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Lĩnh thú thật, đang rất đau đầu và chưa biết ứng phó thế nào, thảo luận với đối tác ra sao. Một trong những giải pháp được tính đến lúc này là triệu hồi hàng về vì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng nếu phải chịu mức thuế 46%. Triệu hồi hàng về là giải pháp cuối cùng nhưng có thể giảm thiểu thiệt hại về kinh tế nhất trong bối cảnh hiện nay. 

Trong khi đó, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin: Sáng nay, cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản "nháo nhào" vì thuế đối ứng mà Mỹ tuyên bố áp dụng với Việt Nam là 46%. Điều này rõ ràng sẽ là rất khó khăn với hàng hóa Việt Nam vào Mỹ nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào thì VASEP đang thu thập thông tin cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp.

"Mức thuế này thực sự là điều hết sức bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng với cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta phải thật sự bình tĩnh để đánh giá tình hình. Chúng tôi sẽ sớm tập hợp thông tin đầy đủ, cụ thể và kiến nghị giải pháp gởi lên Chính phủ để chung tay tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam", bà Lan cho biết.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao