Không chỉ tác động trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, mà chính sách thuế đối ứng còn kéo theo hàng loạt hệ lụy liên quan đến chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thị trường lao động và tăng trưởng GDP. Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, trong khi áp lực tỷ giá và cán cân thương mại cũng có nguy cơ gia tăng. Những tác động này đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chính sách và chiến lược ứng phó trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu thuế đối ứng 46%
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tác động dễ nhìn thấy nhất là khả năng xuất khẩu suy giảm
Việc Mỹ áp dụng mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ. Mức thuế cao khiến giá thành hàng hóa tăng lên đáng kể, làm cho hàng Việt trở nên kém hấp dẫn hơn so với các sản phẩm cùng loại đến từ những quốc gia không bị áp thuế nặng hoặc có các hiệp định thương mại ưu đãi hơn.
Điều này đặc biệt nghiêm trọng với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, điện tử. Đây là những ngành thường có biên lợi nhuận thấp và phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ. Sự sụt giảm sức cạnh tranh kéo theo nguy cơ mất đơn hàng, mất thị phần, đe dọa sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp xuất khẩu và nền kinh tế nói chung.
Tác động thứ hai là đến chuỗi cung ứng và FDI
Mức thuế cao sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu mà còn làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quốc tế mà Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các công ty từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đang chọn Việt Nam như một cứ điểm sản xuất nhằm xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, khi hàng xuất khẩu từ Việt Nam bị đánh thuế, khiến chi phí xuất khẩu bị đội lên quá cao, các tập đoàn này có thể xem xét chuyển dịch đầu tư sang các quốc gia khác có ưu đãi thương mại tốt hơn. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ rút vốn hoặc ngưng mở rộng đầu tư FDI tại Việt Nam, làm giảm cơ hội việc làm, thu nhập, tiêu dùng và nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, các doanh nghiệp nội địa hiện đang tham gia cung ứng linh kiện hoặc gia công cũng sẽ bị ảnh hưởng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn.
Thứ ba là tác động đến tăng trưởng kinh tế và việc làm
Với quy mô xuất khẩu chiếm hơn 85% GDP, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, tức tương đương gần 26% GDP nên kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi tác động tiêu cực của chính sách áp thuế của Mỹ. Chính sách thuế khắt khe này có thể kéo theo suy giảm tăng trưởng kinh tế, khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay của Việt Nam càng thêm thách thức. Không chỉ tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng, mà các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử… vốn đang tạo ra hàng triệu việc làm sẽ phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm lao động hoặc trì hoãn các kế hoạch đầu tư mới. Hệ quả tiếp theo khi thất nghiệp gia tăng có thể dẫn đến các vấn đề xã hội.
Ngoài những tác động lên thương mại và dòng vốn như kể trên, còn một số tác động trực tiếp và tiềm năng khác lên tỷ giá hối đoái, lãi suất, sự ổn định của hệ thống tài chính và bất ổn vĩ mô trong nước.
Đối sách nào cho Việt Nam?
Cần chủ động đàm phán song phương với Mỹ
Chính phủ cần chủ động tiếp cận các kênh đối thoại song phương với Mỹ để tìm kiếm các biện pháp miễn trừ hoặc giảm nhẹ mức thuế áp dụng, ít nhất là đối với một số mặt hàng chiến lược. Quan hệ Việt - Mỹ đang trong giai đoạn phát triển tích cực, đặc biệt sau khi nâng cấp lên "Đối tác chiến lược toàn diện" vào năm 2023. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng mối quan hệ này để vận động, đàm phán nhằm thiết lập các cơ chế linh hoạt, như quota đặc biệt, ưu đãi thuế tạm thời, hay cam kết cải thiện tiêu chuẩn chất lượng và lao động. Đây là công cụ ngắn hạn nhưng quan trọng để giảm sốc cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước
Chính phủ cần triển khai ngay các gói hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, bao gồm miễn giảm thuế trong nước, giãn nợ, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí hành chính, chi phí không chính thức và đào tạo kỹ năng cho người lao động. Đồng thời, cần phát huy vai trò của các trung tâm xúc tiến thương mại, chuyển đổi số và công nghệ nhằm tăng cường cung cấp thông tin, công cụ và đào tạo cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với môi trường thuế quan mới, xem nó như một phần khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị thế giới hiện nay, ít nhất là trong 4 năm tới.
Tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Công thương, đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa thị trường để giảm lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Các thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông và châu Phi cần được khai thác mạnh mẽ hơn thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang là thành viên như CPTPP, EVFTA, RCEP.
Song song với đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp chi phí nghiên cứu và gia nhập thị trường, chuyển đổi mẫu mã, tiêu chuẩn và logistics để tiếp cận hiệu quả hơn. Đây là chiến lược trung và dài hạn nhằm gia tăng sức chống chịu cho nền kinh tế trước các cú sốc thương mại do chính quyền Trump đưa ra.
Nâng cao giá trị nội tại của sản phẩm
Về dài hạn, Việt Nam cần chuyển từ chiến lược xuất khẩu giá rẻ sang mô hình xuất khẩu dựa trên giá trị gia tăng cao. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thiết kế, phát triển thương hiệu và tích hợp công nghệ sẽ giúp hàng hóa Việt Nam giữ được vị thế dù phải chịu mức thuế cao. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững trên thế giới đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, truy xuất nguồn gốc và lao động. Đây cũng là lý do để Việt Nam đầu tư mạnh và không nên do dự vào công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường nội lực và liên kết
Đây là thời điểm Việt Nam cần đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và từng bước làm chủ chuỗi giá trị. Việc chúng ta quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu vừa làm gia tăng chi phí, vừa khiến doanh nghiệp dễ tổn thương trước biến động bên ngoài. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác bền chặt giữa Nhà nước - doanh nghiệp - các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế để cùng xây dựng kịch bản ứng phó, tăng cường dự báo và hoạch định chính sách chiến lược. Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Phát huy tinh thần chủ động và đoàn kết là rất quan trọng trong giai đoạn bất định hiện nay.
Những hàng hóa nào của Việt Nam không bị áp thuế đối ứng?
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng chính sách thuế này không chỉ nhắm đến riêng Việt Nam mà còn áp dụng với nhiều quốc gia khác, bao gồm cả những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam trong một số ngành hàng xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường cạnh tranh có thể tái định hình theo hướng toàn diện hơn, chứ không chỉ là bất lợi đơn phương cho Việt Nam. Vì vậy, từng ngành hàng cần chủ động đánh giá lại vị thế cạnh tranh của mình, bao gồm cả lợi thế lẫn thách thức, để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp và linh hoạt.
Hơn nữa, có thể thấy rằng mục tiêu thực sự của chính sách thuế này, đặc biệt dưới thời Tổng thống Trump, dường như là nhằm gây sức ép để thúc đẩy quá trình đàm phán thương mại hơn là thực sự mong muốn kéo dài căng thẳng. Trong bối cảnh đó, giải pháp đối thoại và thương lượng sẽ là con đường hợp lý hơn so với các hành động trả đũa, giúp hai bên tìm được tiếng nói chung và tránh được những tổn thất không cần thiết về kinh tế và quan hệ đối tác chiến lược.