Từ học sinh giỏi đến sinh viên trung bình, rớt môn

N.T.N.L, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), từng là học sinh giỏi 12 năm liền, điểm thi đầu vào thuộc top đầu, nhưng vẫn bị tụt lại khi vào đại học. L. cho biết chỉ giỏi viết văn hay học lý thuyết mà thiếu kỹ năng ngoại ngữ, chụp ảnh, quay, dựng video… "Các bạn rất giỏi về công nghệ thông tin, ngoại ngữ… còn mình thì phải trầy trật bám đuổi. Điểm những môn học như chụp ảnh, thuyết trình, mình gần như xếp cuối lớp", L. kể.

Từ học sinh giỏi đến sinh viên trung bình, rớt môn- Ảnh 1.

Là học sinh giỏi ở bậc THPT nhưng một số sinh viên đã gặp khó khăn khi học ĐH

ẢNH: NGUYỄN ĐIỀN

Khi tốt nghiệp THPT, với số điểm cao, L. nhận được 2 học bổng với điều kiện duy trì điểm số ở mức giỏi ở tất cả các học kỳ đại học. Tuy nhiên, ngay học kỳ đầu tiên cô bạn đã mất học bổng vì chỉ đạt loại khá, rồi đỉnh điểm là rớt môn ở học kỳ 2.

Huỳnh Nguyễn Vinh (24 tuổi), trợ giảng bộ môn Kinh doanh và thương mại quốc tế Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở tại TP.HCM), cũng cho biết từng gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu học đại học. Vinh phải đối mặt với khối lượng kiến thức lớn và phương pháp học mới, đặc biệt là ở môi trường năng động như ngành ngoại thương.

"Để khắc phục, mình cần tự giác, chủ động và xây dựng khả năng tư duy độc lập để tự nghiên cứu, phân tích thông tin. Bên cạnh đó, áp lực về thành tích học tập khiến mình phải luôn nỗ lực để không bị tụt lại. Mình cũng phải học cách tự lập, quản lý cuộc sống, tính kỷ luật và khả năng thích ứng", Vinh nói.

Vinh nhìn nhận việc học giỏi ở bậc THPT nhưng lại gặp khó khăn ở đại học không phải hiếm. Môi trường đại học khác hẳn và không phải ai cũng dễ dàng thích nghi. Một số sinh viên không phát huy được thế mạnh có thể vì ỷ lại vào kiến thức cũ hoặc bị choáng ngợp trước sự thay đổi. Thêm vào đó, sinh viên không chỉ có học mà còn tham gia hoạt động ngoại khóa, giao lưu bạn bè và lo toan tài chính. Điều quan trọng là phải biết tự học, rèn luyện và biết cách cân bằng giữa học tập với cuộc sống.

"Để vượt qua khó khăn và duy trì thành tích tốt trong đại học, mình luôn quản lý thời gian hiệu quả, lập kế hoạch học tập cụ thể và tuân thủ nghiêm túc. Điều này giúp mình tránh được tình trạng "deadline dí" và nắm vững kiến thức từ đầu. Mình cũng chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, đặc biệt là học nhóm", Vinh nói.

Thạc sĩ, chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, tốt nghiệp cử nhân văn học Anh - Mỹ, ĐH Quốc gia Hà Nội và có bằng thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh của ĐH Benedictine (Mỹ), cho biết sinh viên gặp phải tình trạng sốc ở những năm đầu có thể lên chiến lược cải thiện bằng việc tìm hiểu phương pháp học đại học hiệu quả; tham gia các nhóm học có gia sư hướng dẫn (gia sư có thể là sinh viên khóa trước) và phải đọc tài liệu nhiều hơn.

"Việc sinh viên không lên thư viện, hay mỗi ngày không dành vài giờ để đọc tài liệu, sách nghiên cứu… thì rất đáng chê trách", ông Nguyên chia sẻ.

Theo ông Nguyên, tại tất cả các đại học chất lượng đào tạo tốt, sinh viên đều phải bận rộn với việc đọc sách, chứ hoàn toàn không có kiểu thi đại học xong thì nghỉ xả hơi sau thời gian học THPT vất vả. "Cũng không có chuyện cứ đậu đại học sẽ chắc chắn ra trường", ông Nguyên nói.

Thạc sĩ Nguyên nói thêm: "Sinh viên không có động lực thì không nên học đại học, mà nên học nghề, hoặc theo đuổi công việc khác sau khi tốt nghiệp phổ thông. Vì bản chất học đại học là nghiên cứu và thực hành ở trình độ cao, nên nếu người học không có động lực, hoặc lãng phí thời gian trong những buổi học "thầy đọc, trò chép" ở giảng đường sẽ gặt hái được rất ít thành quả".

Ông Nguyên cho biết điểm số đánh giá nỗ lực và kết quả học tập, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng của việc học. Sinh viên nên nhìn vào mục tiêu cuộc đời của mình để lựa chọn cách học tập: "Bạn đến trường đại học vì điều gì?". Nếu chỉ vì điểm số và bằng cấp, bạn sẽ nhanh chóng thất vọng khi gia nhập thị trường lao động, vì nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến thực lực.

Ông Nguyên chia sẻ thêm việc muốn có một nghề trong tay là điều rất tốt, vì có mục tiêu rõ ràng để nỗ lực. Nhưng hơn thế, bạn học đại học vì muốn thúc đẩy tư duy của mình lên một tầm cao mới, lĩnh hội cách thức dùng tri thức khoa học để giải quyết các vấn đề cuộc sống. "Khi đó bạn sẽ nhận thấy sức mạnh của việc học đại học so với việc không học, hoặc học không hết mình", ông Nguyên nói.

"Rất nhiều ngành nghề đòi hỏi tấm bằng đại học như là giấy thông hành để bắt đầu hành trình làm việc và trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Đó là lý do chương trình đại học được chứng minh là tạo ra những con người trưởng thành về tư duy và có những khả năng ban đầu để có thể bắt đầu một nghề hay một ngành nào đó", thạc sĩ Nguyên nhìn nhận.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao