Thời đó, điện là một thứ 'xa xỉ'

Trước ngày đất nước thống nhất (30.4.1975), điện quả thật là một thứ "xa xỉ", không phải ai ở miền Nam cũng có thể tiếp cận được, hay như các cụ cao niên thường nói: "Giàu mới có điện mà xài".

Thật vậy, những con số thống kê của chính quyền miền Nam trước năm 1975 phần nào cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về thực trạng của hệ thống điện lực miền Nam lúc bấy giờ: Năm 1958, trên 75% số hộ dân ở miền Nam chưa được cung cấp điện, trên 80% điện lực toàn miền Nam đều tập trung ở Sài Gòn và chỉ có 20% điện lực được sử dụng cho các ngành kỹ nghệ. Qua đó, có thể thấy hầu hết nhân dân miền Nam lúc bấy giờ đều không có điều kiện tiếp cận với điện lực. Giá điện cũng ở mức cao nên các ngành công nghiệp và các nhà máy cũng đều ít có cơ hội phát triển.

Thời đó, giàu mới có điện - Ảnh 1.

Điện góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

ẢNH: EVNSPC

Đầu năm 1960, toàn miền Nam chỉ có nhà máy thủy điện Ankroet và "nhà đèn Chợ Quán" có từ thời Pháp để lại, cung cấp điện cho khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, Đà Lạt và các tỉnh lân cận. Đến năm 1964, miền Nam có thêm nhà máy thủy điện Đa Nhim với công suất 160 MW được xây dựng bằng viện trợ của Nhật Bản. Mặc dù vậy, công suất phát điện của các nhà máy trên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến trước ngày 30.4.1975, hệ thống điện lực ở miền Nam vẫn là một hệ thống điện manh mún, nhỏ lẻ.

Sau ngày đất nước thống nhất, mặc dù các cơ sở điện lực ở miền Nam còn nhỏ bé và phân tán, nhưng ngành điện đã nhanh chóng được tổ chức lại và phát triển với việc thành lập Công ty Điện lực miền Nam vào năm 1976. Trong những năm 1975 - 1985, trong hoàn cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, ngành điện lực miền Nam đã có những cố gắng vươn lên không ngừng nghỉ.

Chỉ một năm sau ngày 30.4.1975, nhà máy nhiệt điện Cần Thơ được chính thức đưa vào hoạt động, cung ứng điện cho các tỉnh Tây Nam bộ.

Có thể nói, giai đoạn 1975 - 1985 là thời kỳ tái thiết và khôi phục sau chiến tranh. Từ hệ thống điện lực vốn dĩ có quy mô nhỏ lẻ, lại bị hư hỏng nặng nề trong chiến tranh cùng với sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và công nghệ, tuy nhiên cùng với sự quyết tâm của Chính phủ và nhân dân, ngành điện lực miền Nam đã từng bước khôi phục và phát triển.

Từ sau đổi mới (1986), cùng với sự mở cửa và hội nhập kinh tế, ngành điện lực miền Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Nhiều dự án nhà máy điện mới được xây dựng, hệ thống lưới điện được nâng cấp và mở rộng. Các công trình lớn và tiêu biểu của ngành điện lực miền Nam có thể kể đến nhà máy thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai, tổ hợp 6 nhà máy nhiệt điện ở Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và 2 (Đồng Nai), nhà máy nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ). Các công nghệ tiên tiến, hiện đại được áp dụng giúp nâng cao độ tin cậy và hiệu quả của hệ thống điện.

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, ngành điện lực miền Nam đã có những bước chuyển mình rõ rệt, vươn lên và phát triển vượt bậc. Từ việc chỉ có một phần nhỏ dân cư được sử dụng điện, ngày nay gần như toàn bộ các hộ dân ở miền Nam đã được tiếp cận với điện năng. Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam, tính đến cuối năm 2020 số hộ dân sử dụng điện ở miền Nam đạt tỷ lệ 99,9%. Điều này góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhìn lại chặng đường 50 năm (1975 - 2025), có thể thấy ngành điện lực miền Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành điện lực cùng với sự hỗ trợ và đồng lòng của toàn xã hội.

"Giàu mới có điện mà xài!" - thế hệ trẻ chúng tôi đến giờ vẫn nhớ như in câu nói ấy của các bậc cao niên. Nhớ để không quên về một thời kỳ khó khăn, thiếu thốn trong quá khứ mà thế hệ cha ông chúng ta đã trải qua, từ đó thế hệ trẻ chúng tôi càng trân trọng hơn những thành quả có được ngày hôm nay của ngành điện lực miền Nam, luôn vững bước tiến lên phía trước, luôn phát triển vươn lên không ngừng nghỉ.

Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.

- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.

- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.

Thời đó, giàu mới có điện - Ảnh 2.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao