Uống quá nhiều nước nguy hiểm thế nào?
Mặc dù uống đủ nước rất tốt cho sức khỏe, nhưng uống nhiều nước trong thời gian ngắn, có thể dẫn đến tình trạng giảm nồng độ natri, có khả năng gây tử vong. Tình trạng này được gọi là hạ natri máu.
Natri là chất điện giải giúp điều chỉnh lượng nước trong mô. Nếu nồng độ quá thấp, nước có thể bắt đầu tích tụ trong và xung quanh các tế bào của cơ thể, khiến chúng sưng lên.

Uống nhiều nước rất tốt, nhưng uống quá nhiều có thể nguy hiểm
Ảnh: AI
Khi các tế bào trong não sưng lên, sẽ gây áp lực lên não. Có thể bắt đầu xảy ra những triệu chứng như lú lẫn, buồn ngủ và đau đầu. Nếu áp lực này tăng lên, có thể gây tăng huyết áp và làm chậm nhịp tim.
Ngoài não bị ảnh hưởng, thận cũng mất cân bằng, tim căng thẳng, có thể dẫn đến sưng phù hoặc tụ dịch trong phổi. Hơi thở trở nên khó khăn hơn và lượng oxy giảm xuống.
Khi nồng độ natri giảm do lượng nước trong cơ thể cao, chất lỏng sẽ đi vào bên trong tế bào và có thể gây hạ natri máu. Các tế bào não sưng lên, gây ra nguy cơ co giật, hôn mê hoặc tử vong.
Cần duy trì 4 thói quen này để kéo dài tuổi thọ
Có ai tử vong vì uống quá nhiều nước?
Theo một số nghiên cứu, hạ natri máu giết chết khoảng 1 trong 4 bệnh nhân mắc phải tình trạng này. Mặc dù hiếm nhưng đã xảy ra một số ca tử vong do uống quá nhiều nước.
Tờ Daily Mail hôm 19.3, dẫn trường hợp ông Sean O'Donnell, 59 tuổi, đến từ Dublin (Ireland), đã tử vong do "ngộ độc nước" chết người.
Bệnh nhân đã được đặt lịch để thực hiện một thủ thuật thường quy tại Bệnh viện Đại học St. Vincent ở Dublin vào tháng 1.2020.
Ca phẫu thuật không xác định diễn ra đúng như kế hoạch và sau đó ông O'Donnell được khuyến khích uống nhiều nước.
Tuy nhiên, lượng nước uống vào của ông không được nhân viên y tế theo dõi và ông đã qua đời vào lúc 19 giờ cùng ngày.
Tòa án đã được báo cáo về việc ông bị sưng não do uống quá nhiều nước, sau đó dẫn đến co giật, ngừng tim và cuối cùng là tử vong.
Bệnh viện St Vincent đã thừa nhận vi phạm nghĩa vụ chăm sóc. Gia đình ông Sean O'Donnell đã được bồi thường sau đó, theo Daily Mail.

Nên chia nhỏ lượng nước uống trong suốt cả ngày
Ảnh: AI
Triệu chứng uống quá nhiều nước
Cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo sau:
- Đau đầu.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Lú lẫn.
- Mệt mỏi.
- Chuột rút hoặc yếu cơ.
- Co giật (trong trường hợp nghiêm trọng).
Những triệu chứng này thường giống với mất nước, say nắng hoặc thậm chí là cúm. Sự tương đồng này khiến các triệu chứng dễ bị bỏ qua. Nhưng nếu bạn đã uống quá nhiều nước và nhận thấy những dấu hiệu này, thì cần phải hành động.
Làm sao để ngăn ngừa uống nước quá mức?
Hãy làm theo những mẹo đơn giản sau để đảm bảo an toàn:
Uống khi khát. Cơ thể biết khi nào cần nước.
Kiểm tra nước tiểu. Màu nước tiểu vàng nhạt có nghĩa là vừa đủ. Nhưng nếu nước tiểu trong, có thể bạn đang uống quá nhiều.
Chia nhỏ lượng nước uống trong suốt cả ngày. Uống nhiều nước cùng một lúc có thể khiến hệ thống quá tải. Tốt nhất nên lắng nghe cơ thể.
Uống bao nhiêu nước là quá nhiều?
Lượng nước chính xác có thể gây ra tình trạng hạ natri máu khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân.
Trung bình, người lớn nên uống 2 - 3 lít mỗi ngày, nhưng uống hơn 1 lít mỗi giờ trong vài giờ có thể khiến thận quá tải.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyên không nên uống quá 1,4 lít nước trong một giờ. Hãy tuân thủ nguyên tắc chung là 2 - 3 lít mỗi ngày, theo WebMD.