Giá vàng 'ngất ngưởng', sắp có đợt chốt lời lớn?

Ngày 31.3, giá vàng thế giới tăng vọt, lần đầu tiên vượt 3.100 USD/ounce, cao nhất mọi thời đại. Cùng với đà tăng như vũ bão đó, giá vàng trong nước tiếp tục lập kỷ lục mới, tiến sát 102 triệu đồng/lượng.

Giá vàng 'ngất ngưởng', sắp có đợt chốt lời lớn? - Ảnh 1.

Giá vàng ngày 31.3 lập kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay

ẢNH: NGỌC THẮNG

Sáng 31.3, các công ty kinh doanh vàng tiếp tục chiêu "mua rẻ bán đắt" khi giảm giá mua vào nhưng tăng giá bán ra. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm giá vàng miếng SJC 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, xuống còn 99,2 - 99,5 triệu đồng/lượng nhưng tăng giá bán ra thêm 300.000 đồng/lượng, đẩy giá vàng lên 101,5 triệu đồng/lượng.

Chiều cùng ngày, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức mua vào 99,5 triệu đồng/lượng, bán ra 101,80 - 101,83 triệu đồng/lượng.

Lý giải tình trạng giá vàng vùn vụt tăng, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, chủ yếu do lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ, chính sách trả đũa của các nước khác làm cho kinh tế của Mỹ và một số nước có thể tăng chậm lại, lạm phát tăng lên.

"Từ nay đến cuối năm, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất khoảng 2 lần, mỗi lần 0,25% thì lãi suất của Mỹ vẫn trên dưới 4%. Cùng với vấn đề địa chính trị phức tạp, các nhà đầu tư lo ngại, tìm đến vàng", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng đề cập khía cạnh, Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng khiến giá vàng trong nước với giá thế giới không hoàn toàn liên thông với nhau, phụ thuộc lớn vào nguồn cung qua các kênh phi chính thức. Điều này đẩy giá vàng trong nước tăng cao hơn giá vàng thế giới.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài những vấn đề của nền kinh tế Mỹ, vấn đề địa chính trị cũng có tác động rất lớn. Ukraine và Nga vẫn chưa đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ đã ra lệnh tấn công lực lượng Houthi ở Yemen… góp phần tạo ra sự bất ổn đối với chính trị toàn cầu, từ đó đẩy giá vàng lên.

"Giá vàng trong nước tăng một phần do giá vàng trên thế giới tăng, nhưng phần khác do nguồn cung hạn chế làm nóng thêm sức cầu", ông Hiếu nói.

Cẩn trọng chênh lệch giá mua vào - bán ra quá lớn

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định, thông thường sau một đợt tăng mạnh, giá vàng sẽ diễn ra nhịp giảm, xuất phát từ áp lực chốt lời; bối cảnh hiện tại không ngoại lệ. Thậm chí, thời gian qua có những chuyên gia, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định giá vàng có thời điểm có thể "sập" xuống 80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng 'ngất ngưởng', sắp có đợt chốt lời lớn? - Ảnh 2.

Mua vàng thời điểm này, nhà đầu tư sẽ đối mặt khá nhiều rủi ro

ẢNH: ĐAN THANH

Ông Hiếu đánh giá, người Việt Nam có "khẩu vị" rủi ro rất cao, nhiều người sẵn sàng "lướt sóng" theo vàng. Tuy nhiên, hiện thị trường biến động rất mạnh, khó đoán định. Khi giá vàng tăng cao sẽ có nhà đầu tư chốt lời làm giá vàng xuống. Đây là điều nhà đầu tư cần hết sức lưu ý.

Cho rằng khi giá vàng đã tăng lên mức hơn 101 triệu đồng/lượng, để giảm xuống mức khoảng 80 triệu đồng/lượng là rất khó, ông Nghĩa khuyến cáo, lúc này đầu tư không nên "xuống tiền" mua vàng, nên lựa đầu tư vàng lúc sóng giảm.

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, hiện tại thị trường vàng biến động dữ dội, chênh lệch mua vào - bán ra cao, chứa đựng nhiều rủi ro. Dự báo giá vàng sẽ có nhịp điều chỉnh giảm vào tháng 4, tháng 5 tới, nên chờ nhịp giảm giá, giá vàng ổn định trở lại mới mua vàng để đem lại tỷ suất sinh lời cao hơn, tránh rơi vào cảnh đu đỉnh tạm thời. Nhà đầu tư dù "sốt ruột" đến đâu cũng không nên "tất tay" mua vàng".

Một trong những yếu tố các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nữa là xem xét mức chênh lệch giữa giá vàng mua vào và bán ra. Ngày 31.3, khoảng cách chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC dao động khoảng 2 - 2,3 triệu đồng/lượng. Thời gian qua, có những thời điểm, mức chênh lệch này thậm chí được kéo giãn tới 3,5 - 4 triệu đồng/lượng.

Nhìn nhận các mức chênh lệch như trên là quá lớn, người mua vàng sẽ đối mặt nhiều rủi ro, để "về bờ" đòi hỏi giá vàng phải tăng rất mạnh, ông Hiếu khuyến cáo nên cân nhắc mua vàng khi mức chênh lệch này chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Còn theo ông Phương, chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra khoảng 1,5 triệu đồng/lượng là hợp lý.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao