Mâm cúng đưa ông Táo về trời: Vì sao cúng ngày 23 tháng chạp?

Nguồn gốc tục đưa ông Táo về trời có nhiều thuyết khác nhau, theo các chuyên gia văn hóa học, không rõ tục này bắt đầu từ lúc nào và do ai sáng tạo ra. Chỉ biết rằng, cúng đưa ông Táo về trời khá phổ biến ở Đông Á và một phần Đông Nam Á.

Vì sao cúng ông Táo?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Giảng viên cao cấp Viện Phát triển năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, phong tục cúng đưa ông Táo về trời trong văn hóa Việt Nam xuất phát từ lối sống nông thôn truyền thống xưa ở Việt Nam và khu vực.

Theo đó, người Việt xưa coi trọng bếp lửa. Bếp lửa tượng trưng cho sự ấm cúng, hạnh phúc gia đình, sự đoàn tụ của các thành viên trong gia đình. Đến nay, các dân tộc ở vùng cao nước ta vẫn còn duy trì tục giữ bếp lửa, dù đi đâu cũng giữ bếp suốt ngày đêm, coi đó là biểu trưng của ấm cúng và hạnh phúc gia đình. Người xưa quan niệm rằng gia đình có thần giữ lửa – thần bếp, một trong các vị thần bảo hộ hạnh phúc gia đình gia đình.

Mâm cúng đưa ông Táo về trời: Vì sao cúng ngày 23 tháng chạp?- Ảnh 1.

Người Việt thường cúng ông Táo về trời vào ngày 23 tháng chạp. Trong ảnh là mâm cỗ của một gia đình ở miền Bắc

ẢNH: NVCC

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ phân tích, trong lịch sử văn hóa Việt Nam và Đông Á xưa có quan niệm "ngũ tự gia đường", tức là tục thờ 5 vị thần cai quản 5 bình diện khác nhau gắn liền với đời sống gia đình, trong đó có thần bếp.

Thời quân chủ trước đây thì ngũ tự gia đường phải được hoàng đế chính thức sắc phong để tạo ra một hệ thống thần quyền. Theo đó, Táo quân tuân lệnh Ngọc Hoàng gắn với từng gia đình để cai quản, bảo hộ và tiếp sức cho các gia đình. Ông Táo được giao nhiệm vụ tùy vào đức hạnh của gia đình ấy trong năm trước để có thể ban phúc lành và cơ hội trong năm sau.

Cúng đưa ông Táo về trời: Ý nghĩa sâu xa của ‘ông Táo’

Ông Táo có trách nhiệm ghi chép tất cả công việc thành viên trong gia đình suốt 1 năm, cuối năm theo hiệu triệu của của Ngọc Hoàng lên thiên đình báo cáo. Dân gian thường hát rằng: "Cu kêu ba tiếng cu kêu; Trông mau đến tết dựng nêu ăn chè". Ngày 23 tháng chạp người ta tiến hành dựng nêu trước khi làm lễ tiễn ông Táo, đó cũng là dấu hiệu của mùa tết bắt đầu, nhà nhà kết thúc thu hoạch mùa vụ, sửa soạn sắm tết cho gia đình.

Mâm cúng đưa ông Táo về trời: Vì sao cúng ngày 23 tháng chạp?- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ

ẢNH: NVCC

Có một điều thú vị mà ít người biết, theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ, đó là, thuở xưa, chỉ có gia đình hoàng gia quý tộc mới tổ chức đưa ông Táo vào ngày 23 tháng chạp; còn dân thường thì 24 tháng chạp mới đưa ông Táo về trời.

Đến cuối thời kỳ quân chủ, sự phân lập giữa quý tộc và bình dân phai nhạt dần, người Việt chọn ngày 23 tháng chạp là ngày đưa ông Táo về trời (ngày 23 là ngày lẻ, mang thuộc tính dương; đồng thời con số 23 có thể tách thành 2+3= 5, số 5 trong triết lý Ngũ hành là số trung tâm trong cấu trúc không gian vũ trụ, được tin là con số linh thiêng, biểu trưng của sự may mắn). Tuy vậy, một số gia đình người Việt gốc Hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay vẫn giữ tục đưa ông Táo về trời ngày 24 tháng chạp.

"Ý nghĩa lớn nhất của phong tục này là giáo dục đức hạnh và tinh thần hướng thiện cho mỗi cá nhân trong gia đình. Qua đó, các gia đình thờ Táo quân, đến cuối năm trang trọng làm lễ tiễn đưa ông Táo về trời thể hiện tấm lòng cảm tạ trời đất và thần bếp đã bảo hộ và ban phúc lành cho gia đình suốt 1 năm qua. Cúng ông Táo cũng là gửi gắm hy vọng cho một năm mới thịnh vượng, hạnh phúc, đồng thời cũng gửi đi thông điệp về thái độ sống chân thành, hướng thiện của gia đình trong thời gian tới. Đến hẹn lại lên, theo sau lễ tiễn đưa ông Táo về trời là những nghi lễ, phong tục đẹp của những ngày tết truyền thống được tổ chức, tất cả họp lại thành một chuỗi các hoạt động mang tính gìn giữ, lưu truyền và nhắc nhớ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó chính là những lý do chính để phong tục thờ phụng và tiễn đưa ông Táo về trời tiếp tục được tiếp tục gìn giữ trong đời sống đương đại", PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ.

Ông Táo gắn với cá chép thế nào?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ, tục đưa ông Táo về trời có ở nhiều nền văn hóa. Hình ảnh ông Táo cưỡi cá chép về trời ở Việt Nam nên đặt trong mối tương quan với hình ảnh Táo quân cưỡi ngựa về Thiên đình trong văn hóa Trung Hoa.

Mâm cúng đưa ông Táo về trời: Vì sao cúng ngày 23 tháng chạp?- Ảnh 3.

Cúng đưa ông Táo về trời thường gắn liền với cá chép

ẢNH: NVCC

Sở dĩ như vậy là do, người Hoa Hạ xưa sống chủ yếu ở lục địa (vùng Trung Nguyên), ở đó con ngựa là một phương tiện di chuyển quan trọng. Sau này khi di dân xuống miền Hoa Nam họ mới quen dần với lối sống sông nước. Trong khi đó, ở Việt Nam, lối sống người Việt nông nghiệp lúa nước gắn liền môi trường sông nước (sông Hồng, về sau kéo dài đến sông Cửu Long), xây dựng cơ đồ văn hóa từ bối cảnh đồng bằng sông nước (gọi tổ quốc mình là "đất nước"), tạo dựng hạnh phúc gia đình từ bối cảnh sống ấy, cho nên dùng khi đưa ông Táo về trời thì lựa chọn vật cưỡi cho ông Táo gắn liền môi trường sông nước.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ giải thích: "Trong nhiều loài thủy tộc, người Việt xưa chọn con cá chép vì trong văn hóa dân gian có tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng". Rồng sớm bị hoàng tộc dùng làm linh vật biểu trưng nên người dân chỉ có thể dùng cá chép, một là vì chúng là con vật có thật ngoài đời và hai là họ tin rằng chúng có khả năng "hóa rồng". Hình ảnh này mang ý nghĩa cầu mong gia đình có thể khó khăn, trở ngại nếu có để "vượt vũ môn" trong năm mới, qua đó gửi gắm niềm mong ước về sự thành công, hạnh phúc".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao