Để phụ huynh không bức xúc vì chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ít tháng nữa hoàn tất ở lớp 12, trong bối cảnh mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa.

Để phụ huynh không bức xúc vì chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa- Ảnh 1.

Cứ vào đầu năm học, phụ huynh phải đôn đáo tìm mua sách giáo khoa phù hợp theo yêu cầu của nhà trường. Điều này khiến phụ huynh thấy phức tạp, rối rắm

ảnh: đào ngọc thạch

Đã có lúc chọn sách giáo khoa là việc của phụ huynh, học sinh

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi học một chương trình, mỗi môn học có một số sách giáo khoa, riêng môn tiếng Anh là "độc bản" English for today. Sách toán, tôi chọn mua của tác giả Nguyễn Văn Phú; lý, hóa thì mua sách do Ban Giáo sư Trường Thi biên soạn; sách vạn vật (sinh học) được tác giả là thầy Nguyễn Quang Nghĩa (cùng nhóm giáo viên biên soạn) tặng do nhà tôi cạnh nhà thầy, nên tôi học theo sách đó…

Lúc bấy giờ, chọn mua sách nào là do phụ huynh, học sinh; nhà trường hay thầy cô tuyệt nhiên không tác động đến người học chọn mua sách này, sách kia… Nhà trường không rối rắm chuyện sách giáo khoa, thầy trò dạy tốt - học tốt. "Nhị, tam đại đồng đường" dùng chung sách giáo khoa.

Những bất cập khi thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa hiện nay

Hiện nay theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới áp dụng 5 năm qua, trong nhà trường phổ thông, một môn học có một số sách giáo khoa. Đây là một chủ trương tiến bộ. Sách dùng trong trường được chọn theo quy trình, quyết định cuối cùng của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, sách giáo khoa là một trong những nguồn học liệu. Nghĩa là người học, người dạy có thể dùng nguồn học liệu (chính thống) khác, ngoài sách giáo khoa.

Mục a, Điều 32, luật Giáo dục quy định: "Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục…".

Giảng dạy 3 khối lớp 10, 11, 12 theo chương trình mới, tôi coi các sách này là tài liệu tham khảo. Có sách được mặt này, lại vướng mặt kia, dẫn tới cùng một môn ở lớp 10, trường chọn sách của nhóm tác giả A biên soạn, đến lớp 11 lại chọn sách của nhóm tác giả B. Từ đó dẫn đến thực tế người dân bức xúc là em không dùng được sách giáo khoa của anh để lại, gây lãng phí.

Những năm gần đây tuy thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa nhưng phân phối thì… "bao cấp". Cứ đến đầu năm học phụ huynh chạy đôn, chạy đáo tìm mua sách giáo khoa cho con em theo yêu cầu lựa chọn của nhà trường.

Một băn khoăn khác của phụ huynh là nhiều bộ sách giáo khoa thì đề thi ra sao để học sinh theo học sách nào cũng làm được.

Chẳng hạn đề tham khảo môn vật lý thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, câu 2 hỏi: "Biển báo nào dưới đây cảnh báo có chất phóng xạ?". Có người bảo, câu này thuộc chương trình 10. Nhưng sách vật lý 10 của Cánh Diều không giới thiệu biển báo cảnh báo khu vực có chất phóng xạ. Chưa kể vẫn còn nhiều "sạn" rải rác trong sách giáo khoa mới. Giá sách giáo khoa mới lại khá cao do "khổ to, giấy đẹp" khiến dư luận bức xúc, nghi ngại.

Để phụ huynh không bức xúc vì chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa- Ảnh 2.

Chuyện sách giáo khoa luôn là mối bận tâm của phụ huynh, học sinh với đủ cung bậc cảm xúc

ảnh: Đào ngọc Thạch

Cần nhiều điều chỉnh

Mặc dù quy định giáo viên giảng dạy hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh nhưng thực tế bao trùm vẫn là dạy để học sinh đi thi. Vì thế nội dung sách giáo khoa càng phải đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Trong khi năng lực soạn giảng, tổ chức hoạt động của giáo viên không đồng đều, kỹ năng tự học của học sinh còn non, quản trị trường học chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, những tác động không mong muốn từ gia đình, xã hội đến học đường gây hiệu ứng tiêu cực thì sách giáo khoa phải là điểm tựa của dạy, học.

Bên cạnh các bộ sách giáo khoa do cá nhân, tổ chức biên soạn, không ít nhà giáo, phụ huynh học sinh đề nghị đến Bộ GD-ĐT cần phải có một bộ sách giáo khoa của Bộ. Nếu cho rằng có bộ sách giáo khoa của nhà nước thì còn ai cạnh tranh được thì chưa thấu đáo.

Giáo viên nhất thiết phải được bồi dưỡng thường xuyên chương trình môn học. Một khi giáo viên nắm chắc, biết vận dụng chương trình môn học thì sẽ tìm kiếm nguồn học liệu phù hợp với học sinh.

Hiện nay nhiều giáo viên còn lơ mơ chương trình môn học nên không thoát khỏi vòng xoáy sách giáo khoa… "chọn rồi". Việc soạn bài, lên lớp, kiểm tra đều theo sách giáo khoa. Quán tính đó tăng dần tạo lực cản đổi mới phương pháp giảng dạy. Thầy cô theo sách giáo khoa, trò phải tìm mua dẫn đến tình trạng sách giáo khoa khan hiếm và nhiều hệ lụy khác.

Ngoài ra, việc chọn sách giáo khoa như quy định hiện nay không cần thiết. Giáo viên, phụ huynh, học sinh nên được chủ động chọn sách giáo khoa phù hợp theo mục đích học tập, với túi tiền của mình sao cho sách ấy có thể sử dụng nhiều năm cho các anh chị em, bạn bè… những khóa tiếp theo. Giáo viên và người học được chọn sách giáo khoa sẽ tác động trở lại với các nhà xuất bản rằng muốn cạnh tranh, hãy nâng chất nội dung sách giáo khoa.

Ngoài ra, thư viện trường học cần trang bị sách giáo khoa của các nhóm tác giả biên soạn để giáo viên, học sinh tìm đọc và mượn khi có nhu cầu.



Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao