Ngã khi đang hái me, người phụ nữ bị gãy xương nặng

Bà L. cho biết, bà và em trai cùng trèo lên cây hái me lúc giữa trưa, nhưng lúc trèo xuống chỉ còn cách mặt đất khoảng 2 mét thì bà bị trượt ngã, va đập mạnh chân vào thanh sắt khiến bà đau nhức.

Tiếp nhận người bệnh tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), các bác sĩ đã sơ cứu vết thương, nẹp gỗ đùi bàn chân phải và chỉ định chụp CT scanner (cắt lớp vi tính). Kết quả cho thấy bệnh nhân bị gãy kín đầu dưới hai xương cẳng chân phải, gãy kín đầu dưới xương đùi phải và gãy kín xương bánh chè.

Người bệnh được chuyển qua điều trị tại khoa Chỉnh hình vi phẫu. Tại đây, các bác sĩ hội chẩn và cân nhắc kỹ lưỡng đưa ra phương án phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít dưới màn hình tăng sáng C-Arm.

Ngã khi đang hái me, người phụ nữ bị gãy xương nặng- Ảnh 1.

Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật

ẢNH: BSCC

Ngày 22.1, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Tấn Thạnh, Trưởng khoa Chỉnh hình vi phẫu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), cho biết cuộc phẫu thuật kéo dài 3 tiếng, ê kíp phẫu thuật viên đã tiến hành cắt lọc, xử lý vết thương và kết hợp xương gãy vững chắc.

Với phương pháp phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít, đầu tiên các phẫu thuật viên sắp xếp lại các mảnh xương gãy theo đúng vị trí ban đầu, sau đó cố định các mảnh xương này bằng nẹp vít, gắn vào xương. Không chỉ có nhiệm vụ giữ chắc các đầu xương, nẹp vít còn có vai trò thay thế cho những phần xương vỡ vụn hoặc bị mất trong các trường hợp gãy xương bả vai, xương chậu hoặc một số vùng khác.

Ưu điểm của phương pháp này là kết hợp xương vững, bảo vệ mạch máu quanh khu vực xương gãy, giúp xương liền nhanh hơn, nhờ vậy sẽ giúp người bệnh sớm quay lại sinh hoạt bình thường.

Ca mổ diễn ra thành công. Sau 3 ngày phẫu thuật, chân bệnh nhân giảm đau, cải thiện tốt, có thể cử động bàn chân, sinh hoạt bình thường. Theo kế hoạch, khi vết thương lành thì người bệnh sẽ được hướng dẫn tập đi và vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

"Đây là trường hợp gãy xương phức tạp. Những mảnh gãy xương di lệch nhiều nên công tác nắn chỉnh xương cũng gặp không ít khó khăn trong lúc mổ. Vùng cổ chân là vùng chịu lực nhiều nên bắt buộc xương gãy ở vị trí đó phải được nắn chỉnh hoàn chỉnh thì sau này bệnh nhân mới đi lại tốt. Nẹp vít cũng phải chuẩn vị trí", bác sĩ Thạnh chia sẻ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao