Điều này khiến cho các buổi họp phụ huynh không còn quá nặng nề, căng thẳng khiến phụ huynh có tâm trạng không vui khi dự họp. Đây có thể xem là tín hiệu vui của việc họp phụ huynh hiện nay. Điều này có được là nhờ sự mạnh dạn lên tiếng của chính cha mẹ học sinh, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành giáo dục, và nhờ sự phản ảnh kịp thời của dư luận, báo chí.
Không nhắc đến vấn đề tiền bạc trong cuộc họp phụ huynh
Đó là chỉ đạo trước cuộc họp phụ huynh vừa qua của hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Phú, TP.HCM. Vị hiệu trưởng này nhắc nhở kỹ càng các giáo viên chủ nhiệm: "Thầy cô không nhắc việc đóng học phí của học sinh để phụ huynh an tâm lo đón tết. Giáo viên tuyệt đối không được để cho ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi phụ huynh trong lớp đóng tiền để quà cáp, lì xì cho giáo viên... Nhà trường cũng không có chủ trương thu quỹ hội này, quỹ hội nọ. Nếu phụ huynh có tấm lòng và điều kiện, thì có thể trực tiếp ủng hộ trao học bổng cho học sinh khó khăn trong trường". Kể cả dịp 20.11 hàng năm cũng thế, lãnh đạo trường THPT nói trên luôn chỉ đạo: "Tình cảm cá nhân riêng tư giữa phụ huynh và giáo viên thì nhà trường không cấm, vì đó là tinh thần tôn sư trọng đạo. Nhưng nhà trường nghiêm cấm việc giáo viên chủ nhiệm nhận tiền từ ban đại diện (thu tiền của từng phụ huynh) rồi trao cho thầy cô này, thầy cô kia...".
Với chỉ đạo đó, theo nhiều giáo viên trong trường, các cuộc họp cha mẹ học sinh luôn diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái, đạt sự đồng thuận cao.
Tuy không nặng nề chuyện đóng góp nhưng không có nghĩa là vai trò của phụ huynh, sự gắn kết, quan tâm của cha mẹ học sinh với nhà trường đã mất tác dụng. Mà ngược lại, với tinh thần tự nguyện giúp đỡ, hiệu quả lại phát huy nhiều hơn. Nhà trường chỉ cần nêu hoàn cảnh cụ thể của bao nhiêu học sinh khó khăn cần giúp đỡ là phụ huynh sẵn lòng chung sức.
Việc phụ huynh giúp đỡ cho nhiều học sinh khó khăn trong lớp với số tiền có khi lên đến vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. Sau cuộc họp cha mẹ học sinh của trường mà hiệu trưởng yêu cầu không bàn chuyện thu chi vừa qua, có phụ huynh đã trực tiếp vào phòng tài vụ nhà trường để đóng hết các khoản thu học kỳ 1 cho một học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp với số tiền là 4,5 triệu đồng.
Thực tế cho thấy hiệu quả tuyệt vời khi nhà trường, giáo viên không nặng nề đóng góp, thu chi trong các buổi họp cha mẹ học sinh.
Mong hết cảnh "trên bảo dưới không nghe"
Tuy nhiên không phải tất cả các trường đều có cách làm quyết liệt, rõ ràng, nhẹ nhàng như trường THPT nói trên. Thực tế là còn nhiều ban đại diện các trường rất "mạnh miệng", "mạnh tay" trong việc thu chi. Đáng nói là dù thu với danh nghĩa tự nguyện nhưng phụ huynh phải vào thế "không thể không đóng".
Nhiều trường thu tiền liên tục trong mỗi lần họp phụ huynh, số tiền kê khai thu chi lên đến ba bốn chục triệu đồng. Phụ huynh một trường THCS tại quận Tân Bình, TP.HCM bức xúc: "Chỉ mới 2 lần họp, đầu và giữa năm, nhưng mỗi phụ huynh lớp con tôi học đã phải đóng cho ban đại diện lớp là 1,3 triệu đồng. Không biết từ đây đến cuối năm còn phải đóng bao nhiêu nữa". "Ngay từ đầu năm học, phụ huynh chúng tôi mừng thầm vì lãnh đạo ngành giáo dục thành phố chỉ đạo không có quỹ này, quỹ nọ trong nhà trường. Nhưng không hiểu sao trường con tôi hội phụ huynh vẫn thu 'mạnh tay' như thế. Hy vọng là sẽ hết cảnh 'trên bảo dưới không nghe'", vị phụ huynh trên cho biết.