Giữa tháng 10.2024, các đơn vị đồng tổ chức IELTS công bố những dữ liệu liên quan đến kỳ thi IELTS trên toàn cầu trong năm 2023 - 2024. Theo đó, tính riêng bài thi Academic (học thuật), điểm IELTS trung bình của người Việt là 6.2, tương tự năm 2022 và đồng hạng 28 trong số 39 quốc gia tổ chức thi IELTS. Về tỷ lệ điểm số, 23% thí sinh tại VN đạt điểm IELTS từ 7.0 trở lên. VN hiện có khoảng trên dưới 20 người đạt IELTS 9.0.
XU HƯỚNG TẤT YẾU
Chị T.T, phụ huynh có con học Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM, cho biết rất nhiều học sinh (HS) trong trường sở hữu điểm IELTS 7.5, 8.0. Chị nói: "Trong một lớp 8, tôi biết có 2 em mới đây đều đạt IELTS 8.0, điểm số này không làm những phụ huynh khác bất ngờ".
Ông Trương Chấn Sang, Ủy viên Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM, giáo viên (GV) tiếng Anh Trường TH-THCS-THPT Phan Chu Trinh, TP.Dĩ An, Bình Dương, cho hay trong những năm gần đây điểm IELTS của HS ngày càng cao, đây là một xu hướng tất yếu. Điều này có thể lý giải từ nhiều yếu tố, như việc HS ngày nay có điều kiện tiếp cận nguồn tài nguyên học tập phong phú hơn, từ các khóa học online, ứng dụng học tiếng Anh, đến môi trường học tập quốc tế ngày càng phát triển. Thêm vào đó, GV cũng đã cải thiện phương pháp giảng dạy, chú trọng vào việc phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giúp HS nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh toàn diện. Bên cạnh đó, nhận thức của HS và phụ huynh về tầm quan trọng của IELTS trong việc mở ra cơ hội học tập và nghề nghiệp quốc tế cũng ngày càng rõ ràng, thúc đẩy HS nỗ lực hơn trong việc cải thiện điểm số.
Bà Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật tại DOL English, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Reading (Vương quốc Anh), cho hay HS ngày nay có điều kiện tiếp cận tiếng Anh sớm hơn, lượng tài liệu nhiều hơn và dễ tìm kiếm hơn. IELTS ngày càng phổ biến hơn, kèm với lợi ích khi có chứng chỉ IELTS khi xét tuyển ĐH, do đó nhiều HS đầu tư tiền bạc, công sức, thời gian vào ôn luyện hơn để đạt điểm cao. Đồng thời, phương pháp dạy và học tiếng Anh ngày càng hoàn thiện, thay vì học tủ học mẹo, HS chuyển sang học tư duy, học hiểu bản chất hơn, từ đó các em được cải thiện điểm số trong thời gian ngắn hơn và phát triển đều cả 4 kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) kèm với tư duy.
Ông Lê Hoàng Phong, nhà sáng lập Tổ chức giáo dục và đào tạo YOUREORG, cho rằng việc HS ngày càng đạt điểm IELTS cao không chỉ là kết quả của sự phát triển trong giáo dục mà còn phản ánh những thay đổi sâu sắc trong cách tiếp cận học tập và môi trường giáo dục.
HS ngày nay trưởng thành trong môi trường toàn cầu hóa, nơi tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ mà còn là công cụ cần thiết để tiếp cận kiến thức và cơ hội. Kế đó là sự chuyển dịch tư duy giáo dục. Trước đây, việc học tiếng Anh thường nặng về ngữ pháp và dịch thuật, nhưng giờ đây phương pháp giảng dạy chú trọng thực hành kỹ năng và phản xạ ngôn ngữ. Có thể nói giáo dục thời kỳ hiện đại giúp HS học một cách thực tế, chủ động và có định hướng rõ ràng, nhất là với các kỳ thi như IELTS.
HỌC ĐỂ DÙNG, KHÔNG PHẢI ĐỂ THI
Dù chứng chỉ IELTS có thể là tấm "vé thông hành" để qua cánh cửa du học, định cư, xét tuyển..., song các nhà làm giáo dục cho rằng điểm IELTS cao không phải là tất cả. Một trong những thách thức lớn hiện nay là nhiều HS coi IELTS như một "đích đến" ngắn hạn để đáp ứng các yêu cầu thi cử, sau đó lại bỏ quên việc duy trì kỹ năng. Điều này không chỉ lãng phí mà còn làm giảm giá trị thực sự của quá trình học tiếng Anh.
Nghiên cứu sinh Hà Đặng Như Quỳnh thẳng thắn: "Nếu chỉ học tiếng Anh để thi IELTS lấy điểm thì rất lãng phí. Nếu HS đó không duy trì khả năng tiếng Anh tốt thì khi du học hoặc học lên cao nữa sẽ rất khó giao tiếp giảng viên nước ngoài, tiếp cận tài liệu học thuật tiếng Anh, khi đi làm cũng khó giao tiếp đối tác quốc tế. Do đó, HS, sinh viên nên học giỏi thực chất, đừng chỉ học mẹo để thi đối phó. HS hãy chọn một phương pháp giúp giỏi bản chất và cải thiện cả tư duy logic để tạo lợi thế cho bản thân trong công việc, việc học lên cao sau này".
Ông Lê Hoàng Phong nhấn mạnh: "IELTS không phải là cái đích cuối cùng mà là một công cụ. HS nên đặt câu hỏi: Sau khi đạt IELTS 7.0, tôi sẽ làm gì với kỹ năng này? Thay vì dừng lại, hãy tiếp tục rèn luyện và ứng dụng tiếng Anh vào các mục tiêu lớn hơn như nghiên cứu, giao tiếp quốc tế, hoặc học chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên môn".
Ông Phong khuyên HS hãy học tiếng Anh để dùng, không chỉ để thi. Điểm IELTS là bằng chứng cho khả năng ngôn ngữ, nhưng giá trị thực sự nằm ở việc bạn có thể biến nó thành "chìa khóa" mở ra những cánh cửa nào trong học tập, công việc và giao tiếp.
"Thay vì coi IELTS là một tấm vé, các em HS hãy xem nó là một công cụ giúp xây dựng tương lai của mình. Chỉ khi nào tiếng Anh trở thành một phần trong cuộc sống, nó mới thực sự mang lại giá trị bền vững", ông Phong trao đổi.