Mua sắm trong trạng thái tinh thần bất ổn ?
Cách đây không lâu, cư dân mạng không khỏi hoảng hốt khi nghe tin một nữ bệnh nhân 29 tuổi nhập viện tâm thần do nghiện mua sắm. TS-BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết bệnh nhân này có cảm xúc thất thường và mất ngủ kéo dài. Mỗi ngày, cô mua từ 5 - 6 món đồ nhưng không sử dụng hoặc thậm chí không nhớ đã mua gì. Việc chi tiêu vượt quá khả năng tài chính khiến cô phải sử dụng thẻ tín dụng và vay mượn, dẫn đến khoản nợ hơn 100 triệu đồng.
"Khi bị chồng ngăn cản, bệnh nhân trở nên kích động, rối loạn hành vi và cảm xúc, thậm chí có suy nghĩ tiêu cực cùng hành vi tự hại. Cô ấy được điều trị bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý để kiểm soát các triệu chứng và phục hồi cân bằng cảm xúc", TS-BS Thu kể tiếp.
Là con trong một gia đình khá giả, T.Đ.T, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, có thói quen chi tiêu đáng lo ngại. Mỗi lần mua sắm, T. cho biết thường chi từ 4 - 5 triệu đồng, với tần suất trung bình 2 - 3 lần mỗi tháng. Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng của những món đồ mới, T. đang đối diện với những bất ổn sâu sắc về cảm xúc và tâm lý.
"Mua sắm không chỉ thỏa mãn sở thích mà còn là cách mình đối phó với nỗi buồn hoặc căng thẳng", T. thú nhận. Có lần, chàng trai này đã chi tới 40 triệu đồng chỉ trong một khoảnh khắc không kiểm soát được cảm xúc.
"Khi học hành áp lực hoặc gia đình có chuyện, mình chỉ cần mua một thứ gì đó là cảm thấy dễ chịu hơn. Đôi khi chỉ lướt mạng xem đồ thôi cũng đủ làm mình thấy thoải mái", T. nói.
Điều đáng ngại là T. thường mua sắm trong trạng thái tinh thần không ổn định. "Có lần mình vừa khóc vừa đặt hàng trong vô thức. Khi xem lại đơn, mình không nhớ nổi tại sao lại mua những món đồ đó. Nhưng rồi mình vẫn giữ tất cả, như một cách tự an ủi bản thân", T. thừa nhận.
Khác với T., Nguyễn Đức Tiến (29 tuổi), ngụ P.6, Q.8 (TP.HCM), lại bị nghiện mua đồ theo… bộ sưu tập. Với Tiến, việc mua sắm không dừng lại ở một món, mà luôn phải là "cả bộ". Có tháng anh tốn 10 triệu đồng chỉ để mua sắm.
"Có khi không đủ tiền, mình phải mua từng món một. Lúc hết sạch, mình lại vay bạn bè hoặc rút tiền tiết kiệm để mua tiếp", anh chàng tâm sự.
Mua hàng livestream và tâm lý sợ bỏ lỡ: Tưởng tiết kiệm hóa lãng phí | GIẢI MÃ EP.2
Nợ nần vì mua sắm
Phan Thị Hà (22 tuổi), ngụ P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, Bình Dương, tự nhận mình mắc chứng "ngứa ngáy" mỗi khi cầm điện thoại lướt app mua sắm. "Cứ đêm tới là mình lại cầm điện thoại lướt ứng dụng, hết xem món này đến món kia, đến khi buồn ngủ thì thôi. Cảm giác đặt đơn hàng luôn làm mình cực kỳ thoải mái", Hà chia sẻ.
Với công việc gia sư thu nhập chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng, nhưng Hà vẫn chi tiêu từ 5 - 6 triệu đồng cho việc mua sắm. Khi không đủ tiền, cô sẵn sàng mượn bạn bè, người thân hoặc sử dụng các dịch vụ ví trả sau. Tuy nhiên, thói quen này đã khiến cô gặp nhiều phiền toái, khi bạn bè liên tục phàn nàn về việc cô mượn tiền hoặc nhờ họ nhận hàng giúp quá nhiều.
Hà cho biết việc ở trọ một mình khiến cô luôn cảm thấy thiếu thốn, dẫn tới không kiểm soát được thói quen chi tiêu. Có giai đoạn Hà mua nhiều tới mức đồ đạc trong nhà chất đầy, không còn chỗ để.
Trong khi đó, Thiều Bảo Nhân (24 tuổi), ngụ P.10, Q.6, TP.HCM, chọn mua sắm vì… áp lực chuyện học tập. "Khi mua một món đồ, mình cảm thấy thoải mái, an toàn hơn. Mỗi ngày mình đều đi đến các trung tâm thương mại, uống cà phê và mua một món đồ nào đó. Đi là phải có cái gì đó xách về mới cảm thấy dễ chịu", Nhân kể.
Nhân cho biết mình chi từ 300.000 đồng - 2 triệu đồng/ngày cho việc mua sắm, liên tục suốt 4 tháng. Rất nhiều món đồ Nhân không xài, chỉ mua về để đó. Nhân cũng không dám cho gia đình biết về thói quen mua sắm này. Nhân thường giấu đồ dưới nhà hoặc đi tay không lên phòng nếu có ai ở trên.
Bà Đào Thị Trúc Ly, ngụ P.Ngã Bảy, TP.Ngã Bảy, Hậu Giang, tá hỏa khi biết tin con gái nợ thẻ tín dụng hơn 10 triệu đồng. Hết cách, cô sinh viên học tại TP.HCM mới gọi điện thoại cầu cứu mẹ cho mượn tiền trả nợ.
"Tôi không biết nó mua cái gì mà lần nào tôi cũng lấy hơn chục đơn hàng giúp nó. Hỏi thì nó nói là đồ cần thiết, nhưng mua về chất đầy nhà rồi cả năm không thấy sử dụng", bà Ly kể. Đến cuối tháng, con gái mới mượn tiền mẹ để thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng, khiến bà Ly không khỏi lo lắng về thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát của con.
Dấu hiệu của các bệnh lý tâm thần
Theo thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Xuân Trung, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175, nhiều người trẻ hiện nay được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần, việc này ảnh hưởng đến học tập, công việc và dẫn đến hậu quả như hối tiếc, nợ nần, hoặc bất hòa gia đình. Rối loạn hành vi mua sắm cưỡng bức đã được ghi nhận trong phân loại bệnh quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tâm thần khác như loạn thần, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm và thường đi kèm với cảm giác thỏa mãn tạm thời, sau đó là trống rỗng, hối tiếc.
TS-BS Thu cho rằng những người nghiện mua sắm thường bị cuốn vào cảm giác hưng phấn khi mua hàng, bất chấp hậu quả tài chính và tâm lý.
"Triệu chứng thường gặp là khi người ta thấy món đồ nào hay ho, thích thú, họ lập tức muốn sở hữu ngay để thỏa mãn cảm giác vui vẻ trước mắt. Họ không cân nhắc hậu quả, chỉ chú trọng đến sự thỏa mãn ngắn hạn. Ban đầu, họ chỉ mua những món đồ rẻ để giải tỏa, nhưng sau đó phải chuyển sang đồ đắt tiền hơn mới cảm thấy đã. Thích thì phải mua liền, mua hết", TS-BS Thu phân tích.
Bác sĩ Trung chỉ ra có nhiều loại nghiện mua sắm khác nhau, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: là một hành vi cưỡng chế gây đau khổ; do tức giận, chán nản; muốn tạo hình ảnh của một người chi tiêu lớn và hào nhoáng; muốn tìm thấy sự kết nối bên ngoài; do mua được món hời dù họ không cần; hoặc là những người sưu tập các món hàng.
"Nghiện mua sắm có những tác động ngắn hạn và dài hạn. Tác động ngắn hạn ngay sau khi mua sắm sẽ đem lại cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc. Tuy nhiên, cảm giác thỏa mãn này chỉ mang tính chất tạm thời. Sau đó là những hệ lụy tâm lý tiêu cực như cảm giác trống rỗng hoặc tự trách. Cảm giác tội lỗi thường xuất hiện khi họ nhận ra đã chi tiêu vượt quá khả năng tài chính hoặc không thực sự cần đến những món đồ đã mua. Tiếp theo, áp lực tài chính do hành vi này mang lại dễ dẫn đến lo âu, nhất là khi các khoản nợ hoặc chi tiêu ảnh hưởng đến các kế hoạch dài hạn. Ngoài ra, trầm cảm có thể xuất hiện khi họ cảm thấy bất lực trước thói quen tiêu dùng của mình, mất tự tin hoặc rơi vào trạng thái tự chỉ trích", bác sĩ Trung nói.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, chỉ ra rằng mua sắm quá tay hay còn gọi là chi tiêu vượt khả năng tài chính, có thể gây ra nhiều tác động kinh tế ở cả mức độ cá nhân và xã hội. Cụ thể, nó gây ra nợ nần khiến căng thẳng tài chính gia tăng. Người tiêu dùng thường phải vay nợ (qua thẻ tín dụng hoặc vay ngân hàng, hay các nguồn khác như gia đình, bạn bè) để có thể chi tiêu. Điều này về lâu dài sẽ dẫn đến việc lãi suất có thể tăng cao và dĩ nhiên khả năng thanh toán nợ giảm đi có thể gây ra nợ xấu và hệ lụy cho cá nhân lẫn tổ chức hay cá nhân cho vay.
Theo ông Khánh, chi tiêu quá mức khiến người tiêu dùng không còn đủ tiền để tiết kiệm cho tương lai, làm suy yếu khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp như bệnh tật, thất nghiệp hay các loại rủi ro khác.
Ông Khánh cho rằng mua sắm bốc đồng còn có thể tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính. Khi người tiêu dùng không trả được nợ, các tổ chức tín dụng và ngân hàng cũng phải gánh chịu tổn thất, gây ảnh hưởng lớn. (còn tiếp)