Sôi động những ngày cận tết
Những ngày giữa đầu tháng chạp, đi từ đầu đường Địa Linh (P.Hương Vinh, Q.Phú Xuân, TP.Huế) đã nghe tiếng gõ lọc cọc từ những chiếc khuôn đúc tượng, mùi cay nồng từ khói lò nung. Những lò nung này đang hối hả vào "vụ" đúc tượng Táo quân để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Ông Võ Văn Đức (65 tuổi), anh cả trong gia đình có 4 anh em làm tượng Táo quân, đang tất bật giao việc cho từng thành viên trong những ngày này. Đàn ông có sức khỏe sẽ đảm nhiệm việc nhào nặn đất sét, phụ nữ khéo tay thì vẽ tượng, còn trẻ con "đảm nhận" khâu đóng gói. Đây là một trong số ít gia đình còn duy trì nghề truyền thống của tổ tiên để lại ở làng Địa Linh.
Anh Võ Văn Hải (42 tuổi, con trai cả của ông Đức) kể, từ tháng 3 - 4 âm lịch, cả gia đình anh đã phải chuẩn bị đất nguyên liệu để làm tượng. Đất dùng để nặn tượng phải là đất sét vàng, được lấy từ đồng ruộng. Đất sét đào xong, đem về dự trữ đến tháng 6 âm lịch mới đưa ra phơi nắng. Đến tháng 11 âm lịch, khi trời mưa, họ gác lại công việc chính, bắt tay vào làm tượng Táo quân.
"Nghề này không khó nhưng đòi hỏi kỳ công. Để tạo ra một tượng Táo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Trong đó, kỳ công nhất phải kể đến việc nhào nặn đất sét, việc này cần những người đàn ông có sức khỏe", anh Hải nói.
Về làng đúc tượng Địa Linh khám phá nơi hàng vạn ‘ông Táo’ ra đời
Trong nhà ông Đức, công đoạn khó này được giao cho anh Võ Văn Cường (35 tuổi, con trai út) phụ trách. Phía sau gian nhà ba gian đã cũ, anh Cường tất bật nhào những tảng đất nhuyễn dẻo như nhồi bột làm bánh, tiếp đến là đưa đất vào khuôn và nện chặt.
"Chiếc khuôn được đúc tượng phải làm từ gỗ lim thì mới có độ bền lâu, chịu được những cú đập mạnh. Việc này phải làm thật dứt khoát để tượng cứng, đều, không bị vỡ. Nói nhào đất sét để làm tượng thì nghe dễ vậy, chứ để cho ra một bức tượng thành phẩm còn qua nhiều công đoạn nữa", anh Cường chia sẻ.
Thu nhập thấp nhưng là niềm tự hào
Cạnh nhà ông Đức, chiếc lò nung tượng Táo quân của ông Võ Văn Nam (60 tuổi, em trai út ông Đức) khói bay nghi ngút. Ông Nam đang hối hả ra lò những bức tượng Táo quân cuối cùng, kịp cho thương lái đến lấy.
Theo người thợ lành nghề này, để tượng không bị nứt nẻ, thay vì dùng củi, người làng Địa Linh sẽ dùng vỏ trấu. Tro của lò nung sẽ được cất giữ để phục vụ việc đúc tượng. Vào mùa, người làm nghề nặn tượng phải dậy từ 3 giờ sáng để canh lò. Lửa nung phải cháy đều, không quá to cũng không được nhỏ, có vậy tượng mới không bị cong vênh, cháy sém.
Tượng ông Táo sau khi rời khỏi lò nung được vợ ông Nam làm sạch lớp tro bám bên ngoài rồi đưa đi nhúng màu đỏ, cam… Cuối cùng là công đoạn trang trí tượng, đây cũng là khâu quan trọng nhất bởi đòi hỏi sự tỉ mỉ, thường con gái ông Nam đảm nhiệm.
Kỳ công là vậy, nhưng mỗi bức tượng thành phẩm chỉ bán ra thị trường với giá từ 2.500 – 3.000 đồng. Bình quân mỗi ngày, một người làng Địa Linh làm tượng cật lực cũng chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng. Vì thu nhập ít ỏi nên theo thời gian nhiều gia đình không còn giữ nghề mà cha ông để lại. Nhưng với ông Nam, việc lưu giữ nghề truyền thống không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn là niềm tự hào lớn và sứ mệnh của thế hệ hậu bối.
Ông Nam và những người làng Địa Linh khác không biết nghề nặn tượng Táo quân ra đời từ khi nào. Họ chỉ biết rằng, qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, tượng Táo quân sẽ luôn hiện diện trong gia đình của người Việt...