Phong tục cúng ông Táo về trời có ý nghĩa giáo dục đức hạnh và tinh thần hướng thiện cho mỗi cá nhân trong gia đình. Các gia đình có bàn thờ ông Táo đến ngày 23 tháng chạp hay chuẩn bị lễ cúng đưa ông Táo về trời để thể hiện tấm lòng cảm tạ trời đất và thần bếp đã bảo hộ và ban phúc lành cho gia đình suốt 1 năm qua. Bài cúng ông Táo 2025 thế nào?
Theo cuốn Tìm hiểu Phong tục, nghi lễ thờ cúng của người Việt và các bài văn khấn của Nhà xuất bản Hồng Đức, tác giả Nguyễn Phương: sau khi bày lễ, thắp hương thì khấn, bài văn khấn lễ ông Táo về trời như sau:
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Hôm nay, ngày 23 tháng chạp năm Giáp Thìn. Số nhà..., đệ tử họ tên...
Lòng thành khấn nguyện sắm lễ đầy đủ vật cúng tiễn Táo quân, cầu xin tam vị Táo quân, Táo phủ thần quan, nội gia viên trạch, ngoại gia viên trạch, kim vì tín chủ, đệ tử họ tên... (vợ, chồng).
Vái cùng chư vị long thần, ngũ phương cai quản ngôi gia số nhà... độ cho đệ tử năm cũ Giáp Thìn đã hết, năm mới Ất Tỵ sắp bước qua, cung tiễn ngày về tâu qua ngọc đế, năm cũ đã qua, năm mới bước vào, cho con vô sự, mọi điều may mắn, thuận lợi bình an, làm ăn phát đạt, sức khỏe nhẹ nhàng, tiêu trừ bệnh tật, thân tâm an lạc. Cầu nguyện gia đình an vui khỏe mạnh, cuối năm giao thừa, thỉnh rước ngài về ngự trong gia trạch, bảo hộ độ trì một năm an lạc.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Cúng đưa ông Táo về trời: Ý nghĩa sâu xa của ‘ông Táo’
Cúng xong rót rượu, hơn nửa tuần nhang thì đốt giấy. Sau khi hoàn tất lễ cúng thì tắt đèn, không nhang khói đến ngày rước Táo quân mới bật đèn cúng đón ông táo trở lại vào đêm giao thừa.
Cúng ông Táo là một trong các chuỗi nghi lễ, phong tục đẹp của những ngày tết truyền thống được tổ chức mang tính gìn giữ, lưu truyền và nhắc nhớ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó chính là những lý do chính để phong tục thờ phụng và tiễn đưa ông Táo về trời tiếp tục được tiếp tục gìn giữ trong đời sống đương đại.
Các tài liệu khác cũng chia sẻ, mâm cỗ mặn cúng ông Táo thường thấy là: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã...
Tuy nhiên, các món cúng không cố định, có thể linh động cho phù hợp điều kiện thực tế như: xôi vò, nem rán, thịt kho tàu...
Theo một số chuyên gia văn hóa, phần đông người Việt thường cúng đưa ông Táo về trời vào buổi sáng hoặc trưa, nhưng cũng có một số ít người cúng chiều, tối.