2 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025, để có những chậu mai đẹp bán ra thị trường, nhiều chủ vườn ở TP.Thủ Đức tất bật với những công đoạn cuối cùng. Không còn cảnh nắn nót cành, tạo hình hay bón phân những cây mai mà thay vào đó là công đoạn lặt lá mai để chờ ra bông đúng dịp tết.
Với các chủ vườn mai có diện tích trồng lớn, không thể kham nổi việc lặt lá nên mỗi năm gần đến tết đều phải thuê nhân công chỉ với nhiệm vụ chính là lặt lá mai. Công việc này thực hiện trong thời điểm hàng ngàn chậu mai chờ ngày "xuất vườn" bán ra thị trường.
Do đó, tại "thủ phủ" mai vàng TP.Thủ Đức (TP.HCM) những ngày này lại trở nên nhộn nhịp từ những vườn mai. Hình ảnh nói cười, tất bật làm việc của hàng trăm nhân công lặt lá mai tỏa khắp hàng nghìn mét vuông ở vườn mai. Những nhân công này đa phần là các sinh viên, lao động tự do sống ở TP.Thủ Đức đảm trách.
Có mặt tại vườn mai Tư Hồng (P.Linh Đông, TP.Thủ Đức) những ngày này mới thấy sự tất bật của những lao động đang làm công việc lặt lá mai thuê. Một số nhân công cho biết, nghề này không chỉ mang lại thu nhập tương đối, mà còn mang ý nghĩa tinh thần như nhắc nhở tết đã đến rất gần. Mặt khác công việc này cũng như nhiều việc thời vụ tết khác như đang góp phần mang không khí tết đến từng gia đình.
Có 3 năm kinh nghiệm trong việc lặt lá mai ở các vườn trong TP.Thủ Đức, Hoàng Huỳnh Nhung, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cho biết đây là công việc khá lạ và thú vị bởi mỗi năm chỉ có một lần.
Làng mai tết An Lộc Xuân ở TP.HCM: Lặt lá xong vẫn thấp thỏm, mong ‘trời thương’
Như cho biết, vài ngày trước, sau khi kết thúc việc học, lập tức đăng ký làm việc. Mục đích của Nhung mong có thêm thu nhập, trang trải cho tết năm nay. Như mọi năm, vào sáng sớm, nữ sinh này chạy xe máy từ TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) để làm việc.
Dưới cái nắng giữa trưa Nhung lặt hết cây này đến cây khác, ít khi ngơi nghỉ. Để chống nắng cô chỉ mặc chiếc áo khoác, đeo găng tay, khẩu trang là đứng lặt cùng bạn.
Theo Nhung, nghề này chỉ cần đến vườn, "ngâm mình" dưới nắng nóng từ sáng đến chiều và hai tay liên tục lặt từng lá mai. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lặt được mà phải học cách là làm đúng kỹ thuật lặt lá. Công đoạn lặt lá mai rất quan trọng, vừa phải tỉ mỉ, vừa phải chọn đúng thời điểm làm sao để khi lặt không là hư cành và vẫn giữ lại nụ.
Tại vườn mai Tư Hồng có hàng ngàn chậu mai, ước lượng với số nhân công thuê phải lặt từ 2 - 4 ngày mới xong. Trung bình mỗi cây mai có từ 2 – 3 nhân công lặt lá, thời gian hoàn thành từ 1 – 2 tiếng.
Đứng làm việc cùng bạn, Phan Thị Dương, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ đây là lần đầu tiên đi lặt lá mai thuê. So với những nghề thời vụ khác mà Dương từng làm như: phục vụ, gia sư, phụ việc nhà thì công việc lặt lá mai còn mới lạ với cô.
"Dù phơi nắng, đứng nhiều nhưng tôi cảm thấy rất vui, hào hứng khi được tham gia. Tôi thấy việc này còn nhẹ hơn so với nhiều việc khác. Nó không phải cực hình mà ngược lại tôi thấy được gần hơn với thiên nhiên, cỏ cây, cảm giác như mình đang tạo nên mùa xuân cho nhiều người", Dương nói và cho biết thêm mục đích làm việc vì muốn kiếm tiền mua vé xe về quê, phụ giúp cha mẹ trong những ngày tết sắp tới.
Anh Nguyễn Văn Linh, quản lý nhóm nhân công làm việc thời vụ cho biết, công việc lặt lá mai cũng tương đồng với các việc lao động thời vụ khác. Nó giống như việc chân tay của các lao động phổ thông. Thù lao cho việc lặt lá mai mỗi năm sẽ dao động theo nhu cầu của chủ vườn, dao động trên dưới 260.000 đồng/ngày và làm việc trong 8 tiếng/ngày.
Anh Linh cho biết thêm cũng như mọi năm, nhu cầu lao động lặt lá mai ở TP.Thủ Đức rất lớn, các chủ vườn đều tìm nhân công để chuẩn bị bán mai cho vụ tết. Do đó, Linh đảm nhận việc kêu gọi sinh viên tham gia làm thêm bằng việc lặt lá mai. Sau khi thống nhất với chủ các vườn, anh lập tức thông báo trên mạng xã hội cho những sinh viên có nhu cầu làm thêm. Năm nay, số lượng nhân công lặt lá mai vào gần 200 người. Trung bình ở mỗi vườn cần từ 20 - 30 người làm việc.