Nhà ông Hùng ở P.Hiệp Bình Phước, cách công ty ở P.Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức, TP.HCM) khoảng 10 km. Hằng ngày, ông đi làm qua đường Đinh Bộ Lĩnh, chiều về thì đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh). Từ lâu, đây là những cung đường thường kẹt xe vào giờ cao điểm.

Đồ đạc đi làm được ông Hùng gói gọn trong túi treo trên xe
Ảnh: Phan Diệp
Đi như thế nào ?
Năm 2017, khi mới chuyển công tác từ Hà Nội vào TP.HCM, công ty ông Hùng có một số người trẻ tuổi đạp xe đi làm. "Các bạn trẻ có thể làm được, mình có thể không?", người đàn ông vốn thích các hoạt động thể thao ngẫm nghĩ.
Lúc đó, ông Hùng làm việc ở Q.7. Quãng đường đạp xe đi làm khoảng 17 km nên ông xuất phát từ 5 giờ 30. Giờ làm của công ty linh động, ông Hùng tranh thủ đạp thêm khoảng
23 km nữa cho "đủ đô", rồi mới đến công ty. Hơn 4 năm nay, công ty chuyển sang cơ sở mới, đường đi làm rút ngắn còn 10 km. Thời gian tập luyện ít lại, ông Hùng quyết định thức dậy từ 4 giờ, chạy bộ 10 km trong hơn 1 tiếng rồi về tắm rửa, đạp xe đi làm.

Nón bảo hiểm, áo phản quang là 2 thứ không thể thiếu trong quá trình đạp xe đi làm của ông Hùng
Ảnh: Phan Diệp
Ông Hùng chia sẻ việc đạp xe đi làm ở TP.HCM không phổ biến. Vấn đề lớn nhất mà nhiều người còn ngại là mồ hôi ướt đẫm khi đạp xe. Giải pháp của ông là chuẩn bị sẵn vài bộ quần áo sạch, khăn ở công ty để lau người và thay đồ rồi mới vào làm việc. Với lựa chọn này, ông mất thêm chút thời gian, thậm chí có lúc gặp rắc rối khi bảo vệ không cho mặc trang phục đạp xe vào tòa nhà. "Nhưng tất cả đều có cách giải quyết. Tôi kiên định với lợi ích của việc đạp xe đi làm vì có thể tập thể dục trên đường đến công ty, tức là làm 2 việc trong cùng một thời gian", ông nói và cho biết 5 năm qua đã đạp xe tổng cộng khoảng 22.000 km.
Ông Nguyễn Hoàng Thế Duy (50 tuổi), đồng nghiệp cũ, người đã truyền cảm hứng đạp xe đi làm đến ông Hùng, cho biết: "Tôi khâm phục sự kiên trì, nghị lực của anh Hùng trong 5 năm qua. Thông thường, người đạp xe lâu năm chọn lựa nâng cấp chiếc xe của mình để phục vụ nhu cầu bản thân, còn anh Hùng chọn cách nâng cấp bản thân trên chiếc xe vốn có. Anh Hùng không chỉ đạp xe đi làm hằng ngày mà còn cùng chúng tôi chinh phục những chặng đường dài từ 100 - 200 km dịp cuối tuần".
Được và mất
Đường phố có nhiều xe máy nên không tránh khỏi những nguy hiểm khi đạp xe. Để hạn chế rủi ro, ông Hùng luôn tuyệt đối tuân thủ luật giao thông, đi nép sát vào gần vỉa hè và tập trung cao độ. Trải nghiệm tập trung này cũng giúp ông nhận được nhiều thứ. "Đó là những giây phút tôi gọi là chánh niệm. Tôi nghĩ về giây phút hiện tại ngay lúc đó để đạp xe, tập trung vào hơi thở của mình. Những suy nghĩ, căng thẳng trong công việc hay cuộc sống… tạm thời dẹp được qua một bên", ông chia sẻ.
Để đạt được điều đó, ông Hùng cho biết thời gian đầu xây dựng thói quen đạp xe đi làm là thách thức rất lớn. Bí quyết của ông là tự khích lệ bản thân qua những hành động nhỏ, từ việc dậy sớm, bước xuống giường, đạp xe…, dần dần cơ thể tự động "bật công tắc" mỗi ngày. "Những nỗ lực nhỏ như thế tích lũy tạo nên năng lượng tích cực khiến tôi vui vì đã chiến thắng "kẻ thù truyền kiếp" là chính bản thân mình", ông nói.

Một chuyến đạp xe dài khoảng 100-200 km dịp cuối tuần của ông Hùng cùng bạn bè
Ảnh: NVCC
Ở độ tuổi U.60, ông Hùng luôn tâm đắc với câu nói: "Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện", nhất là khi các lợi ích của việc tập luyện thể thao đã giúp ông hạn chế điểm yếu của tuổi tác.
Nhờ đạp xe, ông Hùng biết thêm nghề vá, thay ruột xe đạp, hay trải nghiệm đạp xe qua những đoạn đường ngập vào mùa mưa. Ngoài nhiều "cái được" ra thì ông cũng "mất" vài thứ. Cụ thể là "mất" 5 kg, giảm từ 65 kg còn 60 kg và "mất" cơ hội sử dụng thẻ bảo hiểm y tế chất lượng cao.
Từ tháng 4.2023, công đoàn công ty của ông hỗ trợ 1.000 đồng cho 1 km chạy bộ hoặc 2 km đạp xe để khuyến khích nhân viên tập thể dục. Như thế, ngoài những lợi ích có được từ tập thể dục, mỗi ngày đạp xe 20 km và chạy bộ 10 km, ông được hỗ trợ 20.000 đồng.
"Tôi luôn mong ước sớm đến ngày TP.HCM có đường dành riêng cho xe đạp để có thật nhiều người đạp xe đi làm, đi chơi…", ông chia sẻ thêm.

box.jpg