Cháu gái Trương Mỹ Lan nói gì khi tự bào chữa

Ngày 4.4, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm, xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và rửa tiền.

Được tòa gọi lên bào chữa bổ sung, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan) gửi lời cảm ơn đến HĐXX cấp phúc thẩm.

 - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Huệ Vân tại tòa

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Bị cáo đã tham gia qua 4 phiên tòa, từ giai đoạn 1 của vụ án đến bây giờ. Bị cáo nhận thấy vụ án này vô cùng phức tạp. Với bản thân bị cáo, đây là vòng luẩn quẩn được trộn lẫn đậm đặc, nhiều yếu tố, tài sản, nguồn lực... nhưng tất cả vì sự sinh tồn của SCB", Trương Huệ Vân nói.

Bị cáo Vân cho rằng, về bản chất, các công ty ma, các lô trái phiếu chính là công cụ để cho SCB sinh tồn. Hệ lụy cũng phát sinh rồi, có hơn 35.000 bị hại bị ảnh hưởng, còn các bị cáo thì phải trả giá quá đắt. Gánh nặng đặt lên bà Trương Mỹ Lan, người phụ nữ đã 70 tuổi...

"Bị cáo không có dã tâm, cũng không có ý thức chiếm đoạt, bị cáo nghĩ đó là cuộc xô đẩy của thời cuộc và vận mệnh", Huệ Vân nói và mong HĐXX có bản án mang tính răn đe hơn là trừng phạt.

Chủ tọa ngắt lời, cho biết HĐXX rất ghi nhận những lời trình bày của bị cáo và các luật sư; song đối với những sai phạm, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi phạm tội tòa sẽ tiếp tục xem xét. "Pháp luật rất nhân văn, nếu các bị cáo ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, HĐXX sẽ ghi nhận và đánh giá", chủ tọa Phạm Công Mười nói.

Trong vụ án này, với vai trò là Tổng giám đốc Công ty WMC, bị cáo Trương Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty WMC chuyển 13.000 tỉ đồng cho Công ty An Đông để mua trái phiếu sơ cấp, đồng phạm với cô ruột Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền này của các bị hại. Bị cáo bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hôm qua (3.4), Trương Huệ Vân được đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt, xem xét trả lại đồng hồ và điện thoại cho bị cáo nếu không liên quan đến vụ án.

Cựu phó tổng giám đốc SCB mong tòa giảm nhẹ tội

Trước đó, tranh luận bổ sung, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) cảm ơn Viện kiểm sát đã đề nghị giảm án cho bị cáo. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo đã nộp thêm 100 triệu đồng khắc phục hậu quả, mong HĐXX xem xét giảm án thêm cho bị cáo để sớm trở về với gia đình.

"Viện kiểm sát đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Lan được giảm nhẹ thì HĐXX cũng có thể xem xét để giảm thêm cho bị cáo", Dung trình bày.

 - Ảnh 2.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung tại tòa sơ thẩm giai đoạn 1

ẢNH: TCBC

Theo bị cáo Dung, nếu xét về hậu quả vụ án, bị cáo chỉ liên quan đến gói trái phiếu 2.000 tỉ đồng do Công ty Setra phát hành, chiếm một phần nhỏ trong tổng số 30.000 tỉ đồng của toàn vụ án.

"Đến nay, bị cáo Trương Mỹ Lan đã khắc phục 8.000 tỉ đồng nên phần hậu quả liên quan đến bị cáo chỉ còn khoảng 500 tỉ đồng", cựu Phó tổng giám đốc SCB nói và cho rằng Công ty Setra sở hữu nhiều tài sản giá trị, có khả năng tự khắc phục được khoảng 3/4 hậu quả của gói trái phiếu 2.000 tỉ đồng. Do đó, bị cáo mong HĐXX ghi nhận điều này như một tình tiết giảm nhẹ bổ sung.

Đối với các bị cáo khác như Trịnh Quang Công (cựu Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý Acumen), Nguyễn Vũ Anh Thi (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam), Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt - TVSI, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)... Các luật sư bào chữa cho các bị cáo này đề nghị HĐXX và Viện kiểm sát xem xét lại mức độ tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu vì các bị cáo này chỉ tham gia vào một công đoạn, có vai trò hạn chế khi thực hiện hành vi phạm tội.

Phiên tòa tiếp tục làm việc vào ngày 8.4.



Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao