Nhu cầu nhân lực khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế

Chương trình tư vấn với chủ đề "Nhu cầu nhân lực khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế" sẽ được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Trong nhiều năm qua, những ngành học về kinh tế luôn chiếm vị trí quan trọng trong danh mục đào tạo của nhiều trường ĐH và đặc biệt thu hút đông đảo thí sinh xét tuyển. Số lượng nguyện vọng đăng ký khối ngành kinh tế luôn chiếm vị trí cao nhất.

Tương tự, các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và thiết kế cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo thí sinh. Liệu có phải do những ngành này luôn khát nhân lực và có thu nhập cao?

Tất cả những vấn đề nêu trên sẽ được các chuyên gia tham gia chương trình phân tích, lý giải, đồng thời cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm...

Bên cạnh đó, những ngành học thuộc khối IT, thiết kế, công nghệ tuyển sinh ra sao, lấy bằng quốc tế thì học ở đâu, làm thế nào để học tốt và phát huy thế mạnh khi theo học từng ngành nghề trong các khối ngành trên... cũng sẽ được đại diện của trường đưa ra lời khuyên hữu ích.

Nhu cầu nhân lực khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế - Ảnh 1.

Hàng năm, số lượng thí sinh đăng ký vào khối ngành kinh tế luôn cao

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tham gia tư vấn có các khách mời đến từ Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU)

Nhu cầu nhân lực khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế - Ảnh 2.

Các khách mời tham gia chương trình tư vấn chiều nay

ảnh: Lê Thanh Hải

  • Tiến sĩ Ngô Thị Thu, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh
  • Thạc sĩ Phùng Bá Đông, Phó khoa Thiết kế
  • Tiến sĩ Lương An Vinh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin
  • Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế

Vì sao ngành IT-Thiết kế-Kinh tế thu hút thí sinh?

Tiến sĩ Ngô Thị Thu, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, cho biết số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT qua các năm cho thấy khối ngành kinh doanh quản lý thu hút đông thí sinh đăng ký. Điều này xuất phát từ sự yêu thích, năng lực bản thân và công việc khi ra trường. Theo nghiên cứu, 5 năm tới có 6 ngành thu hút nhiều nhu cầu, trong đó khối kinh doanh quản lý nằm trong top 3. Những ngành này cũng có tính linh hoạt trong công việc. Mức độ cạnh tranh đầu vào phụ thuộc vào chỉ tiêu, số lượng đăng ký và mức điểm của thí sinh. Tuy nhiên, các trường cũng giảm áp lực cạnh tranh bằng việc đa dạng hóa ngành nghề, tạo sự khác biệt trong thiết kế chương trình đào tạo''.

Còn tiến sĩ Lương An Vinh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, cho rằng nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT) có nhu cầu nhân lực cao. Thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi số nên cần nhiều nhân lực. Tất cả mọi lĩnh vực đều cần nhân sự ngành này. Thu nhập bình quân ngành này cao hơn các ngành khác, đặc biệt mảng trí tuệ nhân tạo (AI), bảo mật mức lương lên tới 2.000-3.000 USD.

Thạc sĩ Phùng Bá Đông, Phó khoa Thiết kế, chia sẻ một cách đơn giản với thí sinh để hiểu ngành học thiết kế: ''Các sản phẩm như hộp kẹo, điện thoại, cây bút, không gian quán cà phê... Đó là sản phẩm của ngành thiết kế công nghiệp. Ngành này có 3 yếu tố: nghệ thuật, kỹ thuật và công nghệ. Chương trình đào tạo cho ngành thiết kế công nghiệp có 4 chuyên ngành chính gồm thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế tạo dáng sản phẩm và thiết kế thời trang".

Thạc sĩ Phùng Bá Đông nhấn mạnh: ''Vai trò của nhà thiết kế là biến ý tưởng thành sản phẩm tới người tiêu dùng giúp doanh nghiệp bán được sản phẩm. Nhu cầu nhân lực ngành này đang rất thu hút do con người quan tâm nhiều tới thẩm mỹ và công năng, nâng cao chất lượng cuộc sống''.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, cho hay STU có chương trình liên kết đào tạo với ĐH Troy của Mỹ với hơn 1.500 sinh viên tốt nghiệp. Trường đang tập trung đào tạo ngành công nghệ thông tin (khoa học máy tính và an toàn thông tin).

Những ngành học này dựa vào chương trình của ĐH Troy, có giáo sư đầu ngành của ĐH Troy sang dạy. Ngoài kiến thức chuyên môn, các chương trình này còn có nhiều môn học giúp sinh viên có nhiều kiến thức và kỹ năng toàn diện về văn học, nghệ thuật... tăng cơ hội việc làm.

Nhu cầu nhân lực khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế - Ảnh 3.

Tiến sĩ Ngô Thị Thu, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU)

ảnh: Lê Thanh Hải

Yếu tố chọn ngành phù hợp 

Tiến sĩ Ngô Thị Thu cho hay trường có 3 phương thức xét tuyển gồm điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ và điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo tiến sĩ Thu, năm 2025 STU mở thêm 5 ngành mới, trong đó có ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Theo dõi chương trình, một học sinh đặt câu hỏi: ''Mấy năm trước em thấy nói nhiều đến ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng gần đây em ít thấy, vậy có phải ngành này đã hết hot hay không? Nếu em theo học thì liệu có nhiều cơ hội việc làm? Học xong em muốn làm việc ở sân bay thì có được không?''

Tiến sĩ Ngô Thị Thu giải đáp: "Một doanh nghiệp sản xuất cần có kinh doanh, tiêu thụ nên ngành này vô cùng thiết yếu. Hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và logistics đường bộ, biển, sông, hàng không; các dịch vụ dưới đất, dịch vụ trên không... nên cơ hội việc làm rất lớn, trong đó các em có thể làm việc ở sân bay".

Tiến sĩ Lương An Vinh thông tin thêm dự kiến năm 2025 khoa mở thêm ngành kỹ thuật máy tính.

Trước thông tin này, học sinh đặt câu hỏi: ''Em vẫn chưa hiểu sự khác nhau của ngành khoa học máy tính và CNTT. Em thích tạo ra các phần mềm trên điện thoại thì học ngành nào? Điểm chuẩn những ngành này khoảng bao nhiêu?''.

Tiến sĩ Lương An Vinh giải đáp: ''Ngành khoa học máy tính và CNTT đều nằm trong nhóm ngành CNTT, tuy nhiên khoa học máy tính đào tạo chuyên sâu về thuật toán, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, lập trình nâng cao còn ngành CNTT chuyên về ứng dụng, vận vận hành CNTT trong doanh nghiệp, quản trị hệ thống...

"Em nên học ngành công nghệ phần mềm hoặc CNTT để có thể sáng tạo ra các phần mềm, các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Điểm chuẩn ngành công nghệ thông tin tại STU dao động từ 16-18 ở phương thức xét học bạ'', tiến sĩ Lương An Vinh khuyên.

Nhu cầu nhân lực khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế - Ảnh 4.

Thạc sĩ Phùng Bá Đông, Phó khoa Thiết kế, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU)

ảnh: Lê Thanh Hải

Thạc sĩ Phùng Bá Đông thông tin Trường STU đang có ngành thiết kế công nghiệp gồm 4 chuyên ngành gồm thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế tạo dáng sản phẩm và thiết kế thời trang. Nếu xét học bạ, thí sinh lấy 3 môn điểm cao nhất, trong đó bắt buộc có môn toán hoặc văn và 2 môn còn lại, hoặc cả toán và văn với 1 môn còn lại.

Theo thạc sĩ Đông, thiết kế là ngành năng động và thay đổi từng ngày, đặt ra thách thức về sự thay đổi, vận hành, cập nhật đáp ứng xu hướng thực tế. Hàng năm trường rà soát, kiểm tra, cập nhật để thay đổi chương trình đào tạo. Trong đó ngành thiết kế công nghiệp tăng cường tích hợp công nghệ mới vào giảng dạy, đặc biệt AI; tăng cường môn học về tư duy và thiết kế sáng tạo; gắn kết với doanh nghiệp.

Gửi câu hỏi đến chương trình, một học sinh thắc mắc: ''Ngoài môn toán và văn, 2 môn còn lại em chọn tin học và công nghệ. Ngành thiết kế công nghiệp có xét tổ hợp 2 môn này không? Em có nên xét thêm bằng điểm thi đánh giá năng lực? Học xong em có thể làm công việc cụ thể gì?''

Thạc sĩ Phùng Bá Đông giải thích: ''Trong 3 môn xét tuyển, em lựa chọn môn điểm cao nhất để xét nhưng bắt buộc phải có 2 môn toán hoặc văn. Nếu em thấy điểm THPT chưa thực sự nổi bật và chưa an tâm thì nên xét thêm điểm đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển''.

Về cơ hội nghề nghiệp, thạc sĩ Đông thông tin: ''Ngành thiết kế công nghiệp kết hợp nghệ thuật, kỹ thuật, công nghệ nên ra trường, si h viên có thể làm nhà thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế tạo dáng sản phẩm... Sinh viên năm 3, 4 đã còn thể nhận công việc để làm hoặc cộng tác với doanh nghiệp. Học xong các em làm tại các công ty chuyên về thiết kế hoặc tự xây dựng thương hiệu riêng''...

Nhu cầu nhân lực khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế - Ảnh 5.

Tiến sĩ Lương An Vinh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU)

ảnh: Lê Thanh Hải

Một học sinh gửi câu hỏi đến chương trình: ''Em thích đi du học nhưng ba mẹ lại không muốn em phải xa nhà mà vẫn lấy được bằng của trường ĐH nước ngoài. Ngành em muốn học là công nghệ thông tin. Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) có liên kết đào tạo cấp bằng quốc tế cho ngành này không? Điều kiện xét tuyển ra sao?''

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết: ''CNTT chính là chương trình liên kết của STU với ĐH Troy. Các công ty hàng đầu tại Việt Nam hoặc công ty FDI thường xuyên đến trường chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế trong ngành IT. Các em học 4 năm tại STU được cấp bằng của ĐH Troy có giá trị toàn cầu, sau đó có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Điều kiện xét tuyển: Các em có thể xét học bạ, tuy nhiên cần có tiếng Anh đầu vào IELTS 5.5. Trong quá trình học các em học thêm 2 môn tiếng Anh rất quan trọng khác để đáp ứng yêu cầu của chương trình. Thí sinh có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc có IELTS 7.5 trở lên sẽ được hỗ trợ học bổng.

Các tố chất cần thiết khi theo học khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế

Nhiều học sinh thắc mắc về những tố chất cần có khi lựa chọn ngành học. Về vấn đề này, tiến sĩ Ngô Thị Thu cho hay: ''Khi chọn ngành, các em dựa vào sự yêu thích thích, năng lực và nhu cầu việc làm. Các trường luôn cố gắng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng lập kế hoạch, làm việc nhóm, thuyết trình, khởi nghiệp...''

Còn thạc sĩ Phùng Bá Đông khuyên: ''Nhiều em lo lắng không biết vẽ có thể tham gia ngành thiết kế không. Vẽ là kỹ năng nên các em có thể luyện được. Ngay từ năm đầu ở STU, các em được học vẽ, phác thảo ý tưởng. Về tố chất để học ngành thiết kế, các em cần có sự sáng tạo và tư duy thẩm mỹ, ngoài ra cần có sự kiên trì và đam mê''.

Với ngành CNTT, tiến sĩ Lương An Vinh cho hay: '' Đặc thù ngànhCNTT là viết code. Do đó các em cần tư duy logic, có năng lực về toán. Đồng thời phải có sự kiên trì, khả năng tự học, nghiên cứu công nghệ mới liên tục, kỹ năng làm việc nhóm''.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm thì cho rằng bạn trẻ muốn bước ra môi trường quốc tế, điều đầu tiên là phải trau dồi ngôn ngữ đặc biệt tiếng Anh, có tính chủ động cao; luôn ham học hỏi.

Nhu cầu nhân lực khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế - Ảnh 6.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU)

ảnh: Lê Thanh Hải


Hướng đào tạo khối ngành IT-Thiết kế-Kinh tế

Tiếp tục đặt câu hỏi đến chương trình, một học thắc mắc: ''Ngành du lịch của Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) đào tạo theo hướng nào? Em rất thích làm du lịch sinh thái, vậy ngành này có trang bị kiến thức kỹ năng về du lịch sinh thái hay không? Để khởi nghiệp lĩnh vực này em còn cần học thêm ngành nào khác?''.

Tiến sĩ Ngô Thị Thu cho hay  STU có 2 chuyên ngành du lịch chăm sóc sức khỏe và quản trị nhà hàng khách sạn. Tuy nhiên trong quá trình đào tạo, các em được trang bị kiến thức liên quan đến du lịch phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, quá trình thực hành thực tập cũng có các môn học, định hướng liên quan đến du lịch sinh thái.

''Học thiết kế công nghiệp thì có làm thiết kế các sản phẩm quảng cáo hay nội thất được không? Ngành này thu nhập có cao và khi tuyển dụng có phải cạnh tranh mạnh mẽ như khối ngành kinh tế?'', học sinh gửi câu hỏi đến chương trình. 

Thạc sĩ Phùng Bá Đông giải đáp: ''Ngành thiết kế công nghiệp có 4 chuyên ngành, trong học kỳ đầu tiên các em học chung với nhau các kiến thức nền. Hết học kỳ 1, khoa có tư vấn chọn chuyên ngành. Chương trình có 5% môn liên ngành, ví dụ học chuyên ngành thiết kế nội thất cũng được học kiến thức của thiết kế đồ họa... Vì thế, khi tốt nghiệp các em có thể làm những công việc liên quan đến thiết kế nếu như em thực sự ham học hỏi nghiên cứu''.

Mức lương khởi điểm phụ thuộc vào vị trí, kinh nghiệm, dao động từ 10-15 triệu đồng khi mới tốt nghiệp, sau 3-5 năm mức lương có thể từ 20-30 triệu đồng.

Liên quan đến CNTT, một học sinh thắc mắc: ''An ninh không gian mạng với an ninh mạng có phải là cùng một ngành học không? Có phải học xong sẽ làm ''cảnh sát trên mạng'', chuyên truy cập internet để làm việc chứ không cần phải đi ra ngoài? Công việc cụ thể sau khi tốt nghiệp là gì?''.

Giải đáp thắc mắc này, tiến sĩ Lương An Vinh cho hay: ''An ninh mạng và an ninh không gian mạng tương tự nhau nhưng tên ngành học thì là an ninh mạng. Học xong các em có thể làm mảng bảo mật thông tin ở doanh nghiệp, kỹ sư an ninh mạng, kiểm thử xâm nhập...''.

''Tiếng Anh của em ở mức vừa phải, vậy có thể học chương trình liên kết quốc tế ngành quản trị kinh doanh? Nếu sau 2 năm em muốn chuyển tiếp ra nước ngoài học có được không? Học phí khoảng bao nhiêu một khoá?''

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm thông tin: ''Khi vào trường các em sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh, nếu IELTS chỉ đạt 5.0 thì các em sẽ được học khóa ngắn hạn để đạt 5.5 theo quy định.

Về học phí các em phải đóng khoảng 100 triệu đồng/năm (khoảng 3,3 triệu đồng/tín chỉ). Các em được chuyển tiếp sang Mỹ với điều kiện đạt 2.5 điểm GPA và khi sang Mỹ các em đóng mức học phí như sinh viên bản xứ.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao