Còn nhiều băn khoăn với các quy định mới trong tuyển sinh ĐH

CẦN CÓ THÊM THỜI GIAN XỬ LÝ DỮ LIỆU

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, thí sinh (TS) bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển, đến 17 giờ ngày 28.7. Từ 13.8, trường ĐH tải dữ liệu, thông tin xét tuyển trên hệ thống. 17 giờ ngày 20.8, chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch chung.

Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm nay dữ liệu được tải lên hệ thống rất nhiều, đòi hỏi các trường ĐH cần có thời gian để kiểm tra lại trước khi chạy chính thức. Do đó, các trường cần có nhiều thời gian hơn so với lịch dự kiến mà Bộ đã đưa ra.

Còn nhiều băn khoăn với các quy định mới trong tuyển sinh ĐH  - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 ĐH Quốc gia TP.HCM vào cuối tuần qua. Năm nay, tất cả các phương thức đều xét chung một đợt

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

PGS Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đồng tình với đề xuất trên. "Nên làm trong khoảng 10 ngày, vì chúng ta cần có cả thời gian dự phòng cho rủi ro về mặt kỹ thuật trong xét tuyển. Năm nay, do cả hệ thống tập trung xét tuyển một đợt nên dữ liệu rất lớn, phần mềm của Bộ GD-ĐT cố gắng hỗ trợ kịp thời cho các trường ĐH. Những nội dung nào thuộc trách nhiệm của các trường ĐH trong quá trình tham gia xét tuyển thì cũng phải làm rõ ra để trường còn kịp thời điều chỉnh phần mềm xét tuyển của mình, phối hợp kịp thời với phần mềm của Bộ GD-ĐT, cũng như để có cơ sở dữ liệu đảm bảo đầy đủ và chính xác", PGS Nguyễn Minh Tâm đề xuất.

Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo và đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng, nêu ý kiến: "Năm nay các trường sẽ rất mất thời gian để rà soát hồ sơ, kiểm dò, nên đề xuất Bộ GD-ĐT cho các trường được tải dữ liệu sớm hơn ngày 13.8, để các trường có thêm thời gian ráp nối dữ liệu. Mặt khác, mong dữ liệu từ Bộ GD-ĐT cung cấp cần chính xác tuyệt đối".

ĐIỂM CHỨNG CHỈ QUY SANG ĐIỂM NGOẠI NGỮ NHƯ THẾ NÀO ?

Một quy định mới nhưng chưa được đề cập trong dự thảo hướng dẫn tuyển sinh ĐH, CĐ nên nhiều trường cũng băn khoăn là chuyển đổi điểm của chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm xét tuyển ĐH môn ngoại ngữ. Theo quy chế tuyển sinh ĐH 2025, đối với các chứng chỉ ngoại ngữ mà Bộ GD-ĐT cho phép dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT, trường ĐH được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%.

Theo PGS Nguyễn Hữu Công, Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên, nếu để cho các trường ĐH tùy ý quy định việc chuyển đổi thì sẽ xảy ra tình trạng trường A quy định IELTS 7.0 là điểm 10, nhưng với trường B thì TS chỉ cần đạt 6.0 cũng đã được điểm 10 môn tiếng Anh trong tổ hợp 3 môn xét tuyển ĐH. Thậm chí không loại trừ có trường hợp xem 4.0 cũng đã ngang điểm 10. "Có lẽ Bộ GD-ĐT nên hướng dẫn thực hiện các trường quy đổi theo khung thống nhất trong toàn quốc, ví dụ mức IELTS n điểm thì tương ứng trong khung từ a đến b điểm tốt nghiệp THPT. Theo đó, các trường ĐH sẽ vận dụng phù hợp với yêu cầu của trường mình", PGS Nguyễn Hữu Công nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung vào hướng dẫn theo tinh thần đảm bảo các TS có chứng chỉ ngoại ngữ mức độ khác nhau thì sẽ phân biệt (phân hóa) được. "Không nên đánh đồng kiểu như IELTS 7.0 trở lên là được 10 điểm như nhau. Cần có sự phân biệt, để đảm bảo có sự công bằng, có độ tin cậy. Vì chứng chỉ ngoại ngữ có nhiều dạng khác nhau, và còn tùy ưu tiên của từng trường, nên quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm xét tuyển môn ngoại ngữ là các trường phải làm trên nguyên tắc đảm bảo công bằng. Không thể để tình trạng đạt một mức điểm nào đó trở lên là tất cả các em như nhau. Tất nhiên, khi các em đạt đến một mức nào đó rồi thì thực sự xuất sắc, có thể cho điểm 10. Nhưng nếu quy theo kiểu cho điểm 10 hết thì không hợp lý", ông Sơn nói.

Còn nhiều băn khoăn với các quy định mới trong tuyển sinh ĐH  - Ảnh 2.

Theo lịch dự kiến của Bộ GD-ĐT, ngày 22.8 công bố kết quả xét tuyển đợt 1. Có ý kiến cho rằng có thể rút ngắn thời gian xét tuyển

ảnh: Đào Ngọc Thạch

CHƯA RÕ QUY ĐỊNH VỀ ĐIỂM CỘNG

Quy định về điểm cộng cũng là một nội dung chưa được thể hiện rõ trong dự thảo hướng dẫn tuyển sinh ĐH 2025 của Bộ GD-ĐT. Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc đặt câu hỏi: "Điểm cộng có giảm dần như điểm khu vực hay không? Hay TS được điểm cộng (điểm thưởng) bao nhiêu thì cứ cộng vào điểm xét tuyển, nếu sau khi cộng mà tổng điểm của TS quá 30 thì chúng ta cứ gạt ngang để được 30? Bộ sẽ có hướng dẫn cách làm hay giao cho các trường tự chủ khi xử lý?".

Tiến sĩ Quốc cũng góp ý với Bộ GD-ĐT nên hướng dẫn các trường cộng điểm ưu tiên trước, sau đó mới cộng điểm cộng. Vì điểm ưu tiên được tính theo công thức thống nhất trên toàn quốc (do Bộ GD-ĐT quy định), đến một mức nào đó thì giảm dần, còn điểm cộng lại tùy thuộc quy định từng trường. Nếu cộng điểm cộng trước thì sẽ xảy ra tình huống TS cùng một khu vực và đối tượng ưu tiên nhưng điểm ưu tiên được hưởng khác nhau do đăng ký xét các trường khác nhau.

Không nên đánh đồng kiểu như IELTS 7.0 trở lên là được 10 điểm như nhau. Cần có sự phân biệt, để đảm bảo có sự công bằng, có độ tin cậy. Vì chứng chỉ ngoại ngữ có nhiều dạng khác nhau, và còn tùy ưu tiên của từng trường... Không thể để tình trạng đạt một mức điểm nào đó trở lên là tất cả các em như nhau.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, băn khoăn của tiến sĩ Quốc là một gợi ý rất hay để Bộ GD-ĐT lưu ý bổ sung hướng dẫn. Khi xét tuyển sẽ cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng trước, điểm khuyến khích khác (nếu có) thì cộng sau. Khi cộng thì cách xử lý giống như với điểm ưu tiên, đến một mức nào đó thì giảm dần.

"Điểm ưu tiên khu vực, đối tượng thì Bộ GD-ĐT có quy định rồi. Còn điểm cộng là điểm mà một số trường "thưởng" thêm cho TS. Năm nay quy chế quy định điểm cộng này không quá 10% thang điểm tối đa, đồng thời tổng điểm xét tuyển không em nào vượt quá 30 điểm", ông Hoàng Minh Sơn nói.

Đề xuất rút ngắn thời gian xét tuyển

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, đặt câu hỏi thời gian xét tuyển liệu có thể làm nhanh hơn được không, bởi "thời điểm 22.8 mới công bố kết quả xét tuyển thì hơi muộn". Theo tiến sĩ Tùng, từ 16.7, lịch trình xét tuyển hoàn toàn phụ thuộc vào các trường và Bộ GD-ĐT. Với công cụ hỗ trợ của công nghệ hiện nay, Bộ GD-ĐT và các trường hoàn toàn có thể rút lại ngắn hơn thời gian xét tuyển.

TS Lê Trường Tùng phân tích: "Nếu 22.8 mới xong, đến đầu tháng 9 (dịp khai giảng năm học mới) chỉ có hơn một tuần. Đó là chưa kể việc có nhiều trường chưa tuyển đủ TS ngay từ đợt 1 (theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2024, kết thúc xét tuyển đợt 1 có đến 30% số trường tuyển được dưới 80% chỉ tiêu). Từ góc độ TS, nếu 22.8 các em mới biết kết quả xét tuyển nghĩa là các em chỉ có một tuần nghỉ ngơi trước khi nhập học ĐH. Đây là mùa hè cuối cùng trong đời học sinh phổ thông, vậy mà các em chỉ có hơn một tuần được nghỉ ngơi, thư giãn. Nên chăng có thêm thời gian tạm gọi là cho các em được thoải mái về tâm trí ít nhất là trong trọn vẹn tháng 8, thì sẽ đảm bảo tính nhân văn".

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, thời gian xét tuyển kéo dài trong bao lâu là hoàn toàn phụ thuộc vào các trường. Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng giảm thời gian lọc ảo. Vấn đề là thời gian xử lý dữ liệu thô của các trường. Vì thế, Bộ sẽ tiếp tục xin ý kiến các trường để xem quy định về lịch trình như thế nào sẽ có tính khả thi cao, nếu chiều hướng nào nhận được nhiều ý kiến đồng thuận thì Vụ Giáo dục ĐH sẽ tham mưu để lãnh đạo Bộ GD-ĐT điều chỉnh lịch.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ quan điểm: "12 năm học phổ thông học sinh mới xét tuyển ĐH một lần. Có thêm vài ngày nữa thì các em có thêm thời gian cân nhắc, lựa chọn cho chính xác; thêm vài ngày nữa là để các trường ĐH rà soát kiểm tra lại dữ liệu cho an toàn, cho đảm bảo độ tin cậy. Chúng ta gọi nhập học sớm được 1 tuần hay 5 ngày cũng không giải quyết vấn đề gì lớn. Cho nên chúng ta cứ làm theo phương án chắc chắn".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao