Không chọn tổ hợp môn, phương thức xét tuyển: Những điều thí sinh cần lưu ý

Tuy vậy, làm thế nào để tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển thông qua việc chọn môn thi, phương thức phù hợp, thì thí sinh (TS) cần nắm rõ thông tin và có cách tính toán và lựa chọn thông minh.

CHỌN MÔN THI CÓ SỰ GIAO THOA NHIỀU NHẤT

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT, tổ hợp dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét tuyển không dưới 25%. Như vậy, 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển có thể là bất cứ môn nào trong những môn mà TS có điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: "TS chỉ cần đăng ký trường và ngành đào tạo trên hệ thống tuyển sinh chung, hệ thống sẽ tự động lựa chọn phương thức, tổ hợp môn có điểm cao nhất của TS để xét tuyển. Chính vì thế, trước khi chọn môn thi, các em phải tìm hiểu xem trường, ngành mình định xét tuyển có những tổ hợp môn nào, ngoài 2 môn toán hoặc văn là bắt buộc, thì 2 môn còn lại có nằm trong các môn TS đã học ở THPT không. Sau đó các em xem 2 môn nào có sự giao thoa nhiều nhất giữa các tổ hợp ở các trường, ngành thì chọn để thi".

Không chọn tổ hợp môn trong tuyển sinh: Những điều thí sinh cần lưu ý - Ảnh 1.

Học sinh thắc mắc những thay đổi về tuyển sinh ĐH trong các chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên năm nay

ẢNH: BÁ DUY

Đồng thời, tiến sĩ Nhân cho rằng TS cũng cần xem xét môn thi mình chọn nên là môn thế mạnh, môn có khả năng đạt điểm cao.

Theo PGS-TS Trần Viết Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật (ĐH Huế), lưu ý: "Để tối ưu cơ hội xét tuyển, ngoài 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, TS nên chọn các môn thi còn lại thuộc nhiều tổ hợp xét tuyển theo thông tin tuyển sinh chính thức của các trường. Việc chọn các môn phổ biến, được nhiều cơ sở đào tạo sử dụng, sẽ giúp mở rộng cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, TS cần theo dõi thông tin tuyển sinh năm 2025 do các trường công bố để có quyết định lựa chọn môn thi phù hợp", PGS-TS Long lưu ý.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, nhận định năm nay sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp mới, ví dụ như tổ hợp có môn công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật… "Tuy nhiên, 2 môn còn lại thì các trường vẫn ưu tiên chọn các môn có trọng số trên 50% để phù hợp với ngành nghề của các em. Vì thế, nếu chọn nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế các em có thể chọn thi tốt nghiệp các môn như toán, văn, lý, hóa hoặc toán, văn, lý, công nghệ; toán, văn, lý, tin học. Còn các nhóm ngành xã hội thì chọn các môn toán, văn, sử, địa; toán, văn, sử, kinh tế và pháp luật hoặc toán, văn, địa, kinh tế và pháp luật…", tiến sĩ Khả cho hay.

NHIỀU TỔ HỢP MÔN: TS CÓ NHIỀU CƠ HỘI TRÚNG TUYỂN

PGS-TS Trần Viết Long cho rằng quy định không giới hạn tổ hợp môn xét tuyển giúp TS có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo cần lựa chọn tổ hợp xét tuyển hợp lý, đảm bảo liên quan với ngành đào tạo và chất lượng đầu vào.

Điều quan trọng là các cơ sở đào tạo cần cung cấp thông tin kịp thời để TS nắm bắt tổ hợp xét tuyển, từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự lựa chọn của mình "Năm 2025, Trường ĐH Luật - ĐH Huế dự kiến sử dụng từ 4 - 5 tổ hợp xét tuyển cho ngành luật và luật kinh tế", ông Long thông tin.

Theo thạc sĩ Trần Hải Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, năm nay nhiều trường vẫn giữ những tổ hợp môn truyền thống như A00 (toán, lý, hóa), B00 (toán, hóa, sinh), D01 (toán, văn, Anh). Vì thế, TS nên thi đủ các môn liên quan.

Ở góc độ khác, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho rằng việc không giới hạn tổ hợp môn có thể khiến các trường sẽ rất khó khăn hơn so với trước do rất khó xác định tổ hợp môn thế nào cho đúng và trúng.

Tiến sĩ Duy nêu ví dụ: "Tuyển sinh vào ngành vật lý, ngoài môn toán là môn bắt buộc phải có, thì với Trường ĐH Đà Lạt, môn lý phải là môn bắt buộc. Vì vậy nếu tổ hợp có 3 môn, chỉ còn một môn lựa chọn. Tuy nhiên, nếu số lượng học sinh chọn thi THPT môn lý rất ít, thì cơ hội tuyển sinh của trường ở ngành này rất khó. Chắc chắn sẽ không có chuyện tuyển sinh vào ngành lý mà không có môn lý trong khi môn lý lại là môn tự chọn".

Không chọn tổ hợp môn, phương thức xét tuyển: Những điều thí sinh cần lưu ý - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 lắng nghe thông tin từ chuyên gia các trường ĐH trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên

ảnh: Đào ngọc Thạch


CÁCH THỨC XÉT TUYỂN

Về việc TS không cần lựa chọn phương thức xét tuyển, tiến sĩ Trung Nhân giải thích thêm: "Điểm thi của TS ở tất cả các phương thức đều nằm trên hệ thống. Vì thế, sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu tất cả các phương thức quy về một thang điểm, điểm chuẩn các phương thức là khác nhau, và nếu một trường có 3 phương thức, các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn các phương thức và thứ tự xét ưu tiên trước. TS không đạt điểm ở phương thức 1 hệ thống sẽ tự động xét đến phương thức 2".

Trong trường hợp tất cả các phương thức có chung một điểm trúng tuyển, theo tiến sĩ Nhân, hệ thống sẽ lựa chọn phương thức TS có điểm cao nhất để xét.

Tiến sĩ Trần Hữu Duy cho biết các trường đang chờ hướng dẫn chính thức của Bộ GD-ĐT để có thông tin cụ thể. "TS không nên lo lắng, cứ an tâm học, chọn môn thi tối ưu và đạt kết quả cao nhất trong các kỳ thi sắp tới. Kỹ thuật xét tuyển sẽ đảm bảo việc xét tuyển diễn ra chính xác, thuận lợi và công bằng cho TS".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao