Cứ đến ngày 23 tháng chạp, người Việt lại nôn nao vì cảm nhận tết đã thật gần qua ngày cúng ông Táo về trời. Nhắc đến ông Táo, ai trong chúng ta cũng biết nguồn gốc của ông Táo là câu chuyện về 2 ông 1 bà.
Người Việt tin rằng, mỗi ngày ông Táo ở trong nhà để ghi những công đức tạo nên cũng như những lỗi lầm mà mỗi người thực hiện để về trình báo với trời vào ngày 23 tháng chạp. Tuy nhiên, đó là dân gian, còn góc nhìn từ lời dạy của Đức Phật thế nào?
Tục đưa ông Táo về trời nhắc nhở điều gì?
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) cho hay, Đức Phật không chú trọng việc có một ông nào đó nhưng Đức Phật dạy con người sống phải tri ơn và biết ơn.
Một ngọn cỏ rất nhỏ cũng cho ta một lượng thải ô xy để hít thở, một áng mây trôi qua cũng có thể thành nước để chúng ta sử dụng... như vậy, mọi thứ xung quanh dù trực tiếp hay gián tiếp chúng ta cũng cần bày tỏ niềm biết ơn. Con người sống biết ơn đó là con người hạnh phúc.
Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, người Việt quan niệm, quanh năm ông Táo ở trong nhà chúng ta nên biết hết mọi đúng, sai tốt xấu của mỗi thành viên trong gia đình. Đây là yếu tố do dân gian ta hình tượng hóa lên.
Cúng đưa ông Táo về trời: Ý nghĩa sâu xa của ‘ông Táo’
"Thực tế là ngay trong mâm cơm gia đình mỗi ngày, sướng hay khổ, buồn hay vui, thiện hay ác đã biểu hiện tất cả. Ngay trong căn nhà này mọi việc tốt, xấu chúng ta làm đã hiện ra hết. Thước đo của mọi điều trên chính là ngọn lửa chân lý soi sáng để mỗi người thấy đúng - sai, phải - trái. Đây mới là điều đáng nói chứ không phải có một ông Táo bay lên trời để báo với thiên đình", vị thượng tọa nói.
Ý nghĩa sâu xa của "ông Táo"
Ở góc nhìn thiết thực, sâu xa hơn, viện chủ tu viện Khánh An cho hay, nói đến ông Táo là nói đến lửa, mà nói đến lửa sẽ nhắc chúng ta nhớ về ánh sáng.
Ban ngày, chúng ta có mặt trời soi sáng để bước chân đi. Tối có ánh trăng vằng vặc, những đêm không có ánh trăng thì phải có ngọn đèn để soi đi. Ngay cả người không thấy đường, người mù, ông bà xưa còn nhắc phải cầm cái đèn; mình không thấy nhưng để người khác thấy mà né mình.
Thứ hai, ý nghĩa của lửa là hơi ấm. Ông bà ta ngày xưa ở núi rừng, làng quê, mỗi tinh sương hay mỗi khi chiều về trời giá lạnh trong nhà đốt một bếp lửa hoặc chậu lửa là ấm cả căn nhà. Khi lửa tàn còn lại than thì để chậu than đó ở dưới gầm giường để ông bà cha mẹ nằm cho ấm.
Ý nghĩa thứ ba của lửa là nuôi dưỡng sự sống, bởi lẽ nhà nào cũng có bếp lửa để nấu cơm canh.
Ý nghĩa thứ tư của lửa là sự đoàn tụ. Người Việt trước đây dù ban ngày có thể bận mỗi người một việc nhưng tối đến lại quây quần bên bếp lửa, dưới ánh nến cùng dùng cơm với nhau. Qua đó, thể hiện được sự đoàn tụ, gắn kết của gia đình.
Mâm cơm gia đình đó dù có đơn giản cũng đủ nói lên niềm hạnh phúc của mỗi người. "Khi mâm cơm thiếu vắng 1 người thân là thấy mâm cơm không tròn, tình thương không còn đủ đầy. Ngày nay hình ảnh đó không còn vì mọi người phải đi tứ xứ bươn chải, có khi không rời xa quê hương nhưng vì công việc nên mỗi người một bát cơm ăn vội khi tới bữa. Thậm chí, có người vừa ăn cơm vừa bấm điện thoại, xem ti vi, gần gũi với những ảo giác của công nghệ làm chúng ta bị cách xa vạn trùng với tình thân", thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ.
Do vậy, theo viện chủ tu viện Khánh An, ông Táo chính là để nhắc nhở mỗi chúng ta cần quan tâm đến hơi ấm trong gia đình mình. Mỗi người cần sống đạo hiếu, theo chân lý phân biệt được đúng - sai, phải - trái, dành thời gian cho nhau để nuôi nấng tình thân trong gia đình.