Kiều bào là nguồn nội lực trong quá trình phát triển của TP.HCM

Ngày 22.4, tại trụ sở Báo Pháp luật TP.HCM đã diễn ra tọa đàm "Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM". Tọa đàm do bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật TP.HCM chủ trì.

 - Ảnh 1.

Tọa đàm "Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM"

ẢNH: NGUYỆT NHI

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật TP.HCM, cho biết TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức lẫn kỳ vọng từ chuyển đổi số, hạ tầng đô thị, biến đổi khí hậu, môi trường đầu tư,… TP.HCM là nơi đang mở ra nhiều cơ hội bứt phá để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, xanh và bền vững; trở thành trung tâm tài chính, khoa học, đổi mới sáng tạo của khu vực.

"Chúng ta cần nguồn lực trí tuệ, những hiến kế sâu sắc, thực tiễn và có tầm nhìn. Đồng thời, chúng ta cần sự trở về, không nhất thiết về địa lý, mà về mặt tri thức, tinh thần và sự kết nối lâu dài. Chúng tôi tin rằng mỗi chuyên gia kiều bào là một hạt nhân lan tỏa tri thức, là nhịp cầu kết nối Việt Nam với thế giới", ông Hiển nói và cho rằng đây không chỉ là hiến kế cho TP.HCM mà còn là khơi gợi kết nối lâu dài giữa chính quyền, chuyên gia và cộng đồng.

Thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức, nhà khoa học kiều bào

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho biết TP.HCM là địa phương có mối liên hệ với khoảng 3 triệu trên tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. TP.HCM luôn nhất quán coi nguồn lực kiều bào là một trong những nguồn nội lực trong quá trình phát triển.

 - Ảnh 2.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM

ẢNH: NGUYỆT NHI

Theo bà Mai, trong quá trình đổi mới, phát triển, TP.HCM chú trọng việc thu hút, trọng dụng nhân tài và đội ngũ trí thức, nhà khoa học kiều bào, nhất là trí thức đầu ngành trong các ngành nghề mũi nhọn và những lĩnh vực quan trọng.

Nguồn lực của lực lượng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện ở bốn khía cạnh như tài chính (thông qua đầu tư trực tiếp và nguồn kiều hối); chuyển giao công nghệ; đóng góp chất xám và là lực lượng tiếp thị hữu hiệu nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa ra thị trường các nước.

"Trong 50 năm qua, với tiềm năng to lớn, mong muốn xây dựng đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng giàu mạnh, kiều bào ta đã đem công sức, trí tuệ, tài chính đóng góp xây dựng quê hương dưới nhiều hình thức", bà Mai cho hay.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, những thành tựu mà TP.HCM đạt được là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự gắn kết giữa Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo bà Mai, TP.HCM đang đứng trước thời cơ và vận hội chưa từng có khi hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành một siêu đô thị, với định hướng trở thành thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, cởi mở cho kiều bào

Tham dự tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó chánh án TAND TP.HCM nói "rất xúc động trước tấm lòng của bà con kiều bào". Bà Dung đánh giá hiện nay chúng ta vẫn còn vướng các quy chế, quy định, là rào cản để kiều bào về đầu tư tại Việt Nam.

Song, dẫn luật Nhà ở, điều 28 luật Đất đai, bà Dung cho rằng hiện nay Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, cởi mở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào.

 - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó chánh án TAND TP.HCM

ẢNH: NGUYỆT NHI

Còn luật sư Lâm Quang Quý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kiều bào TP.HCM, cho biết trong những năm gần đây, chủ trương đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước càng ngày càng mở rộng với nhiều điều kiện thông thoáng, thuận lợi, để thu hút kiều bào trở về quê hương an cư, an dưỡng tuổi già và đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, như mở rộng các quy định cho kiều bào được sở hữu nhà, đất, khắc phục tình trạng nhờ người thân đứng tên giùm như trước đây, dẫn đến các hệ lụy là phát sinh tranh chấp, nhiều bà con kiều bào bị chiếm đoạt nhà, đất, mất hết tài sản, đánh mất tình thân trong gia đình. Giờ đây kiều bào có thể an tâm mua nhà và được đứng tên sở hữu nhà ở.

Kiều bào cũng dễ dàng xác nhận nguồn gốc Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, đăng ký tạm trú, thường trú; đề nghị cấp hộ chiếu Việt Nam. Giấy tờ miễn thị thực nhập cảnh, thẻ tạm trú dài hạn, tăng thời hạn cư trú khi nhập cảnh về Việt Nam lên đến 90 ngày. Kiều bào không lo bị phạt vi phạm thời hạn tạm trú như trước đây, kiều bào có đủ điều kiện được đứng tên sở hữu nhà, đất, được thừa hưởng di sản của người thân để lại, đăng ký đầu tư, thành lập công ty khởi nghiệp tại Việt Nam…

Báo Pháp luật TP.HCM ra mắt chuyên mục "Pháp lý cho kiều bào"

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật TP.HCM, cho biết chuyên mục "Pháp lý cho kiều bào" được mở ra nhằm đồng hành, hỗ trợ các vấn đề pháp lý, chính sách dành riêng cho các cá nhân, hội nhóm kiều bào, doanh nghiệp của kiều bào hướng về các hoạt động sinh sống, làm việc, kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam, cũng như cung cấp các thông tin hữu ích cho các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có nhu cầu đầu tư, du học, du lịch, chữa bệnh, định cư ở nước ngoài.

Chuyên mục "Pháp lý cho kiều bào" tạo ra các diễn đàn, nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp thiết mà kiều bào, doanh nghiệp kiều bào quan tâm. Từ đó, chuyển tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tiếng nói của kiều bào đến các cơ quan, ban ngành liên quan. Đồng thời, cung cấp không gian đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ để kiều bào, doanh nghiệp kiều bào có thể truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, phát triển kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao