Chuông Nhà thờ Đức Bà Paris đã vang lên 88 lần trong ngày 21.4 để tưởng nhớ 88 năm cuộc đời Giáo hoàng Francis.
AFP dẫn thông báo từ văn phòng báo chí Nhà thờ Đức bà Paris cho biết 88 tiếng chuông được tiếp nối bởi một loạt chuông của nhà thờ chính tòa trước buổi lễ vào buổi trưa để tôn vinh Giáo hoàng. Vào tối cùng ngày sẽ có thêm một loạt chuông nữa được gióng lên.
Các lãnh đạo thế giới tiếc thương Giáo hoàng Francis
Tại Israel, một Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Francis sẽ được cử hành vào sáng 23.4 tại Nhà thờ Mộ Thánh, theo thông báo từ Tòa Thượng Phụ Latinh Jerusalem.
Thánh lễ sẽ do Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ và các thành viên của Hội đồng Giám mục Công giáo địa phương chủ sự.
Trong một thông điệp trên mạng xã hội X sau khi Vatican thông báo Giáo hoàng Francis qua đời, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết đây là tin tức "khiến chúng tôi vô cùng đau buồn, vì chúng ta đã mất đi một con người vĩ đại và một vị mục tử lớn lao".

Giáo hoàng Francis gặp Phó tổng thống Mỹ JD Vance ngày 20.4
ẢNH: REUTERS
"Tôi đã có đặc ân được hưởng tình bạn, những lời khuyên và những bài học quý giá từ ngài - những điều ấy chưa bao giờ thiếu vắng, ngay cả trong những lúc thử thách và đau khổ... Và ngài một lần nữa kêu gọi thế giới hãy can đảm thay đổi hướng đi, để bước theo một con đường 'không hủy diệt, mà vun trồng, hàn gắn, gìn giữ'. Chúng ta sẽ bước đi theo hướng ấy - để tìm kiếm con đường hòa bình, theo đuổi lợi ích chung và xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng hơn. Giáo huấn và di sản của ngài sẽ không bị mai một", Thủ tướng Ý viết.
Phó tổng thống Mỹ JD Vance thể hiện sự đồng cảm với toàn thể cộng đồng Kitô giáo về sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Ông Vance nói rất vui khi được gặp Giáo hoàng tại Vatican trước đó một ngày dù lãnh đạo Giáo hội Công giáo "rõ ràng rất yếu", theo Reuters.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof viết trên trang cá nhân ngay sau khi Vatican thông báo tin buồn về Giáo hoàng Francis: "Đức Giáo hoàng Francis thực sự là một người của công chúng. Cộng đồng Công giáo toàn cầu tiễn biệt một vị lãnh đạo đã nhận ra những vấn đề cấp bách của thời đại và lên tiếng về chúng. Với lối sống giản dị, những hành động phục vụ và lòng trắc ẩn, Đức Giáo hoàng Francis là tấm gương cho nhiều người - cả tín hữu Công giáo lẫn những người không theo đạo. Chúng ta tưởng nhớ ngài với tất cả sự kính trọng".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết: "Từ Buenos Aires đến Rome, Giáo hoàng Francis mong muốn Giáo hội mang niềm vui và hy vọng đến với những người nghèo nhất. Ngài mong Giáo hội kết nối con người với nhau và với thiên nhiên. Cầu mong niềm hy vọng ấy luôn được tái sinh, vượt lên trên cả sự ra đi của ngài. Gửi đến tất cả tín hữu Công giáo và thế giới đang đau buồn, tôi cùng phu nhân xin gửi lời chia buồn và những suy nghĩ chân thành nhất".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân gặp Giáo hoàng Francis. Bức ảnh được ông Macron đăng tải ngày 21.4
ẢNH: TÀI KHOẢN X@EmmanuelMacron
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Mersola chia sẻ: "Châu Âu thương tiếc sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis. Nụ cười lan tỏa của ngài chiếm được hàng triệu trái tim trên toàn cầu. 'Vị Giáo hoàng của Nhân dân' sẽ luôn được nhớ đến nhờ tình yêu của ngài cho cuộc sống, niềm hy vọng cho hòa bình, lòng trắc ẩn vì bình đẳng và công lý xã hội. Cầu chúc ngài an nghỉ".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ bức ảnh bà bắt tay Giáo hoàng Francis lên trang cá nhân cùng thông điệp: "Hôm nay, thế giới thương tiếc sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Ngài đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt ra khỏi Giáo hội Công giáo, với sự khiêm tốn và tình yêu rất thuần khiết dành cho những người kém may mắn. Xin chia buồn cùng tất cả những ai cảm nhận được mất mát sâu sắc này. Cầu chúc họ tìm được niềm an ủi với suy nghĩ rằng di sản của Giáo hoàng Francis sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta đến một thế giới công bằng, hòa bình và nhân ái hơn".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ bức ảnh chụp cùng Giáo hoàng Francis
ẢNH: TÀI KHOẢN X@vonderleyen
Tổng thống Israel Isaac Herzog gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thế giới Kitô giáo, đặc biệt là các cộng đồng Kitô hữu tại Israel, trước sự ra đi của vị cha tinh thần vĩ đại, Đức Thánh Cha Francis.
"Một con người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô bờ, ngài đã dành cả đời mình để nâng đỡ người nghèo và kêu gọi hòa bình trong một thế giới đầy rối ren. Ngài đã đúng khi coi trọng việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với cộng đồng Do Thái và thúc đẩy đối thoại liên tôn như một con đường hướng đến sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau", ông Herzog viết trên X.
"Tôi thật lòng hy vọng rằng những lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình ở Trung Đông và cho sự trở về an toàn của các con tin sẽ sớm được đáp lại. Cầu mong ký ức về ngài tiếp tục truyền cảm hứng cho những hành động nhân ái, đoàn kết và hy vọng", Tổng thống Israel bày tỏ.
Theo Reuters dẫn thông báo của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn về sự ra đi của Giáo hoáng Francis. Trong những năm lãnh đạo, Giáo hoàng Francis đã tích cực thúc đẩy đối thoại giữa Giáo hội Chính thống giáo Nga và Giáo hội Công giáo La Mã, cũng như sự tương tác xây dựng giữa Nga và Tòa thánh. Tổng thống Putin nói đã có đặc ân được giao tiếp với vị Giáo hoàng "lỗi lạc" trong nhiều dịp và sẽ mãi lưu giữ những kỷ niệm chân thật nhất về ngài.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng Giáo Hoàng Francis sẽ luôn được tưởng nhớ như một ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và dũng khí thiêng liêng bởi hàng triệu người trên khắp thế giới.
"Ngài đã tận tụy phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Đối với những ai đang chịu đau khổ, ngài đã thắp lên ngọn lửa hy vọng. Tôi vẫn nhớ rõ những lần gặp gỡ với ngài và đã được truyền cảm hứng rất lớn từ cam kết của ngài đối với sự phát triển toàn diện và bao trùm. Tình cảm của ngài dành cho người dân Ấn Độ sẽ luôn được trân trọng. Cầu mong linh hồn ngài được nghỉ yên đời đời trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa", ông Modi viết trên X.
Trong khi đó, Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) Friedrich Merz, người sẽ nhậm chức Thủ tướng Đức vào tháng 5, cho biết Giáo hoàng Francis sẽ được tưởng nhớ vì sự cống hiến không mệt mỏi của ngài cho những thành phần yếu thế nhất trong xã hội. "Ngài được dẫn dắt bởi lòng khiêm nhường và đức tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa", ông Merz chia sẻ trong một bài đăng trên X.
Quyền lãnh đạo Giáo hội Anh giáo Stephen Cottrell đã ca ngợi "sự phục vụ người nghèo" của Đức Giáo hoàng quá cố, "khát vọng dẫn dắt và xây dựng Giáo hội theo những cách thức mới" của Giáo hoàng Francis, sau khi vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo qua đời.
Trong khi đó, Thượng phụ Chính thống giáo Nga nói rằng Giáo hoàng Francis đã đóng vai trò quan trọng trong việc tích cực phát triển liên lạc giữa Giáo hội Chính thống giáo Nga và Giáo hội Công giáo La Mã, theo TASS.
Trước đó, Vatican thông báo Giáo hoàng Francis vừa qua đời ngày 21.4 tại nhà, không lâu sau khi xuất viện qua thời gian chống chọi với bệnh tật. "Các anh chị em đạo hữu, với sự đau buồn sâu sắc, tôi phải thông báo sự ra đi của Đức Thánh Cha Francis. Sáng nay, vào lúc 7 giờ 35, Giám mục Rome, Francis, đã quay về nhà của Chúa", Hồng y Kevin Farrell thông báo trong tuyên bố được đăng trên kênh Vatican News.