Ngày 22.4, sau hơn 1 tuần xét xử, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 8 bị cáo liên quan đến sai phạm về quản lý đất đai tại Tổng công ty Chè Việt Nam.
Cựu Tổng giám đốc Nguyễn Thiện Toàn là bị cáo lãnh mức án cao nhất, 12 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh, ông Đặng Văn Tới, cựu kế toán trưởng, lãnh án 8 năm 6 tháng tù; ông Bành Thương Trí, cựu Giám đốc Công ty Chè Sài Gòn, lãnh án 7 năm tù; ông Vũ Ngọc Tự, cựu Chủ tịch HĐTV, lãnh án 7 năm tù.
Ba cựu thành viên HĐTV gồm: bà Trần Thị Hoa bị tuyên 4 năm tù; ông Đặng Ngọc Cầm và ông Nguyễn Quốc Khánh mỗi người 3 năm 6 tháng tù.
Riêng ông Trần Hồng Điệp, cựu kiểm soát viên chuyên trách, bị tuyên 3 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Dàn cựu lãnh đạo Tổng công ty Chè Việt Nam tại tòa
ẢNH: PHÚC BÌNH
Một nội dung đáng chú ý trong vụ án này, đó là 3 khu "đất vàng" 446 m2 ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), 1.500 m2 ở đường Trần Khát Chân (Hà Nội) và 11.635 m2 ở đường Chè Hương (Hải Phòng). Các khu đất bị nhóm bị cáo mang đi liên doanh, góp vốn không đúng quy định, gây thiệt hại hơn 38 tỉ đồng.
Tại bản án vừa tuyên, tòa quyết định để các địa phương nơi có đất (TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng) thu hồi các khu đất xảy ra sai phạm, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Với các tranh chấp về góp vốn, chuyển nhượng cổ phần giữa các công ty có giao dịch với Tổng công ty Chè, họ được quyền khởi kiện trong vụ án dân sự khác.
Khu đất 446 m2 tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) cho Công ty Chè Sài Gòn vào năm 2006.
Tháng 6.2015, khi Tổng công ty Chè đang thực hiện cổ phần hóa, 3 bị cáo Nguyễn Thiện Toàn, Đặng Ngọc Cầm và ông Nguyễn Quốc Khánh ký nghị quyết thống nhất chuyển quyền sử dụng đất trong tương lai từ Công ty Chè Sài Gòn cho Công ty Sản xuất và kinh doanh GB TEA Việt Nam.
Tiếp đó, ông Toàn ký các văn bản đề nghị TP.HCM cho chuyển sang hình thức thuê đất thời hạn 50 năm trả tiền một lần và cho Công ty Chè Sài Gòn đứng tên trên sổ đỏ. Đồng thời, bị cáo ký giấy ủy quyền cho giám đốc Công ty Chè Sài Gòn, ký hợp đồng vay tiền của Công ty GB TEA nhằm nộp tiền thuê đất và cam kết chuyển quyền sử dụng đất này cho GB TEA.
Sau đó, khu đất được Sở TN-MT TP.HCM cấp đổi sổ đỏ cho Công ty Chè Sài Gòn. Nhóm bị cáo tiếp tục ký phê duyệt cấn trừ công nợ 28 tỉ đồng với Công ty GB TEA, hai bên không còn bất cứ quyền lợi và nghĩa vụ gì với nhau, kể cả khu đất.
Theo kết luận định giá tài sản, giá trị quyền sử dụng khu đất tháng 12.2015 là hơn 44,1 tỉ đồng, do đó thiệt hại từ sai phạm là hơn 16 tỉ đồng.
Khu đất 1.500 m2 tại đường Trần Khát Chân, Hà Nội được Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (sau là Bộ NN-PTNT) cho phép Tổng công ty Chè liên doanh với một công ty nước ngoài để xây dựng trung tâm đấu giá chè và khách sạn.
Tổng công ty sau đó ký hợp đồng liên doanh để thành lập và kinh doanh khách sạn Hotel Indochine Hà Nội.
Tháng 7.1997, Hà Nội cấp sổ đỏ cho công ty liên doanh để xây dựng khách sạn và trung tâm đấu giá chè, thời hạn sử dụng 30 năm. Nhưng do gặp khó khăn khi thực hiện dự án, Tổng công ty Chè được bộ chủ quản đồng ý cho chuyển nhượng quyền đầu tư.
Ông Toàn sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng quyền đầu tư trong liên doanh là quyền sử dụng khu đất 30 năm cho Công ty Sông Châu với giá 10 tỉ đồng không qua đấu giá. Cơ quan tố tụng xác định giá trị khu đất là 31,5 tỉ đồng, do đó thiệt hại 21,5 tỉ đồng.
Khu đất 11.635 m2 tại đường Chè Hương, Hải Phòng được cấp sổ đỏ, giao cho Công ty Chè Hải Phòng thuộc Tổng công ty Chè từ năm 2006.
Tháng 4.2009, Tổng công ty Chè xin cơ cấu lại vốn, sử dụng một số tài sản, đất đai để góp vốn thành lập công ty cổ phần.
Nửa năm sau, tổng công ty góp vốn bằng toàn bộ mặt bằng, quyền thuê 11.635 m2 đất và tài sản trên đất có trị giá 20,5 tỉ đồng, để thành lập Công ty Nam Cường.
Tháng 6.2011, ông Tự, ông Toàn và bà Hoa ký thoái vốn 10,5 tỉ đồng tại Công ty Nam Cường, chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trên cho các cá nhân khác, tổng cộng 20,5 tỉ đồng không qua đấu giá.
Cơ quan tố tụng xác định giá trị tài sản trên đất là 6,6 tỉ đồng và giá trị quyền sử dụng là 2,7 tỉ đồng, tổng 9,3 tỉ đồng; trong khi giá trị tài sản tối thiểu được phê duyệt là hơn 8,6 tỉ đồng. Do đó, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại 711 triệu đồng.