Bản tin của The Wall Street Journal ngày 20.4 không nêu rõ Mỹ đề xuất biến khu vực nào xung quanh nhà máy Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - thành trung lập và Washington có thể kiểm soát khu vực này theo hình thức nào. Ngoài ra, chưa rõ Mỹ sẽ đưa ai là bên trực tiếp điều hành nhà máy này nếu đề xuất được thực thi.

Một quân nhân Nga đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hồi tháng 8.2022
ẢNH: REUTERS
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã nêu ý tưởng Washington mua lại các tài sản năng lượng của Kyiv. Ông Trump lập luận "quyền sở hữu của Mỹ" đối với tất cả các nhà máy hạt nhân của Ukraine "sẽ là sự bảo vệ tốt nhất cho cơ sở hạ tầng đó", theo CBC News.
Nhà máy Zaporizhzhia tọa lạc tại thành phố Energodar, hiện có 6 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 6 GW. Nga tuyên bố kiểm soát nhà máy này không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2.2022. Kể từ thời điểm đó, lực lượng Ukraine đã nhiều lần tấn công khu vực này bằng máy bay không người lái, pháo binh và tên lửa.
Mỹ có thể công nhận Crimea thuộc Nga?
Phía Nga từng nhấn mạnh rằng nhà máy Zaporizhzhia sẽ không được chuyển giao cho Ukraine hoặc bất kỳ bên nào khác.
Ngoài vấn đề nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, Mỹ được cho là có thể chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và loại trừ khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). "NATO không phải là vấn đề được bàn đến", đặc phái viên Mỹ tại Ukraine Keith Kellogg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 20.4.
Ý tưởng trên được cho là nêu trong tài liệu mà phái đoàn Mỹ đưa ra tại cuộc họp với đại diện Ukraine và một số nước châu Âu tại Paris (Pháp) hôm 17.4. The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng các ý tưởng được đưa ra như "các lựa chọn tiềm năng" chứ không phải là tối hậu thư.
Phản hồi của Ukraine dự kiến sẽ có tại cuộc họp tiếp theo ở London (Anh) vào cuối tuần này. Nếu có sự thống nhất giữa Mỹ, Ukraine và các đồng minh châu Âu, các đề xuất có thể được chính thức thảo luận với Nga.
Ukraine, Mỹ và Nga chưa bình luận về bản tin của The Wall Street Journal.
Nga - Ukraine tố cáo lẫn nhau vi phạm ngừng bắn lễ Phục sinh
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Zelensky ngày 21.4 cáo buộc Nga đã vi phạm lệnh ngừng bắn kéo dài 30 giờ do Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi xướng. Ông Zelensky chia sẻ trên mạng xã hội X: "Ukraine sẽ đáp trả tương xứng: lệnh ngừng bắn sẽ được đáp trả bằng lệnh ngừng bắn, và các cuộc tấn công của Nga sẽ được đáp trả bằng các cuộc tấn công của chúng tôi để tự vệ. Hành động luôn có sức thuyết phục hơn lời nói".
TASS ngày 21.4 dẫn tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga khẳng định nước này đã tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn trong thời gian ngừng bắn lễ Phục sinh, đồng thời cáo buộc Ukraine có 4.900 vụ vi phạm trong thời gian ngừng bắn.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 20.4 nói với hãng thông tấn TASS rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không đưa ra lệnh nào gia hạn "lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh". Lệnh ngừng bắn đã kết thúc vào 0 giờ ngày 21.4 (giờ địa phương).