Diễn biến thời tiết khó lường, không theo quy luật đang gây áp lực lên ngành điện. Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hữu - Phó cục trưởng Cục Điện lực - Bộ Công thương cho biết, dự báo phụ tải năm nay có thể tăng trưởng lên đến 12,2%, sản lượng cả năm dự kiến đạt 347,509 tỉ kWh, công suất cực đại toàn quốc đạt 54.510 MW. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị yêu cầu chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Đến nay, các đơn vị chuẩn bị cung ứng điện tương đối tốt.
Tuy nhiên, ông cho rằng, do nhu cầu phụ tải tiếp tục tăng cao, đồng thời tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo cao, hệ thống điện vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đối với cân bằng cung cầu điện, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam. Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã xác định mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Điều này cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với ngành điện lực.
Trong khi đó, mới đầu tháng 4, với nhiệt độ nắng nóng tại nhiều địa phương đã chạm ngưỡng 38 độ C, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, đặc biệt điện sinh hoạt và điện làm mát. Thế nên, theo ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống điện quốc gia, từ khâu phát điện, truyền tải cho đến phân phối điện.

Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó cục trưởng Cục Điện lực phát biểu tại hội thảo
ẢNH: TP
Ông Võ Quang Lâm cũng cho biết, trong năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu điện thương phẩm đạt 300,9 tỉ kWh, với phương án dự phòng lên tới 305,6 tỉ kWh nhằm đáp ứng kịch bản tăng trưởng cao. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống dự kiến đạt 54.510 MW, tăng 11,35% so với năm 2024.
"Dù thời tiết đầu năm mát mẻ khiến phụ tải tăng chậm lại, sản lượng điện thương phẩm đạt 63,645 tỉ kWh, tăng khoảng 4,43%, cho thấy xu hướng phụ tải tiếp tục tăng cao trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới. Trước tình hình đó, EVN đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng điện phù hợp với mọi tình huống - kể cả khi nhu cầu điện tăng trưởng tới 12-13%, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng GDP mục tiêu trên 8%", ông Võ Quang Lâm nói.

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN thông tin về các giải pháp cung ứng điện của ngành trong thời gian tới
ẢNH: TP
Về các giải pháp sản xuất và cung ứng điện, EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện, với tổng công suất khoảng 8.800 MW, bao gồm cả dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Trong năm 2025, EVN tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, nhà máy thủy điện Quảng Trạch I, Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, cấp điện cho huyện Côn Đảo.
Song song với các giải pháp kỹ thuật và đầu tư, EVN chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt trong mùa nắng nóng.
Tại hội thảo, ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, sản lượng điện mua EVN tháng 4 là 3.645,08 triệu kWh (đến ngày 14.4), giảm 1,26% so với cùng kỳ (3.691,63 triệu kWh). Nguyên nhân là nền nhiệt độ thời tiết của tháng 4 thấp hơn 1 - 2 độ C so với năm 2024, có mưa trái mùa trong tháng 4. Diễn biến thời tiết bất thường, dự báo mùa mưa năm 2025 đến sớm hơn mọi năm cũng làm ảnh hưởng đến điện nhận đầu nguồn cũng như thương phẩm của EVNSPC.