Siết chặt quản lý thuốc giả, thực phẩm giả

Thủ đoạn tinh vi

TP.HCM là một trong những đầu mối phân phối thuốc cho các khu vực trên cả nước với 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Ở lĩnh vực thực phẩm, địa phương có hơn 2.800 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; hơn 13.700 cơ sở kinh doanh thực phẩm và hàng trăm bếp ăn, hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố…

Siết chặt quản lý thuốc giả, thực phẩm giả - Ảnh 1.

Tang vật bị thu giữ trong một vụ Công an TP.HCM triệt phá đường dây làm dầu gió giả

Ảnh: Công an cung cấp

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả mang lại lợi nhuận cao, hiện đang hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Cụ thể, đối tượng sản xuất thuốc giả bố trí nhiều địa điểm, sử dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng giao hàng tận nhà để mua, bán nhằm che giấu địa điểm. Đối với hàng giả, các đối tượng tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất lấy hàng nhằm tránh bị phát hiện. "Một số cơ sở sản xuất hàng giả tự tạo mẫu sản phẩm, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm giả, sử dụng mã vạch, mã QR giả, tem chứng nhận sản phẩm giả để đánh lừa cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng", ông Nam nói thêm.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh thực phẩm giả, thuốc giả không chỉ làm xói mòn lòng tin mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Dự kiến tháng 8.2025, các ủy ban của QH sẽ phối hợp tổ chức phiên giải trình về vấn đề này. Bà Cầm cho rằng cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức người dân và nhà sản xuất. "Khi người dân đã nhận thức được rồi thì có sản xuất hàng giả cũng không tiêu thụ được", bà Cầm nói thêm.

Tại buổi khảo sát, nhiều ĐBQH quan tâm đến việc xử lý văn nghệ sĩ, dược sĩ tham gia quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đúng quy định. Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, nêu thực tế có người tham gia quảng cáo khi không rõ đó là hàng giả nhưng có người biết rõ nhưng vẫn tham gia vì lợi nhuận.

"Vậy Sở VH-TT TP.HCM có định hướng gì để họ nhận thức rằng nếu vi phạm vì lợi nhuận, do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin thì bị xử lý như thế nào", bà Phúc đề nghị. Một số ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng ở TP.HCM giải đáp việc kiểm tra, xử lý hàng giả khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ra sao, các quy định hiện hành có "trói tay, trói chân" lực lượng thực thi hay không…

Tăng cường hậu kiểm ngay từ phường, xã

Liên quan đến hoạt động quảng cáo, lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cho biết hiện chưa có quy định riêng về quảng cáo của văn nghệ sĩ, tuy nhiên mọi công dân đều phải tuân thủ quy định pháp luật.

Vừa qua, QH đã thông qua sửa đổi, bổ sung luật Quảng cáo, có hiệu lực từ tháng 1.2026, trong đó quy định người có sức ảnh hưởng (bao gồm văn nghệ sĩ) nếu chưa sử dụng, chưa hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ thì không được phép quảng cáo. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo đúng quy định, lãnh đạo Sở VH-TT kiến nghị Chính phủ và Bộ VH-TT-DL sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để địa phương áp dụng biện pháp chế tài.

Trước câu hỏi xử lý thuốc giả, thực phẩm giả khi tổ chức chính quyền 2 cấp có gặp khó khăn gì không, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có chủ trương cho phép thành lập phòng kiểm tra - pháp chế tại các sở chuyên ngành nên hoạt động kiểm tra vẫn thực hiện bình thường như trước đây. Ngoài ra, Phòng Văn hóa - Xã hội thuộc UBND cấp xã cũng được phân định thẩm quyền kiểm tra địa bàn.

Trao đổi thêm, lãnh đạo Phòng Kiểm tra - Pháp chế Sở Y tế TP.HCM cho biết phòng có 6 nhân sự, không đủ khả năng kiểm tra hết 15.000 cơ sở kinh doanh thuốc trên toàn địa bàn. Vị này cho rằng UBND các xã, phường lập đoàn kiểm tra hành chính thông thường, vẫn có thể phát hiện được hàng gian, hàng giả để xử lý.

Đối với công tác hậu kiểm, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm Lê Minh Hải cho biết sở đã kiến nghị UBND TP.HCM phân cấp về cho các phường, xã theo từng đối tượng cụ thể, tránh chồng chéo trong hậu kiểm. Song song đó, Sở An toàn thực phẩm chịu trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn cho phường, xã các văn bản, quy định, truyền thông đến người dân, doanh nghiệp. Ông Hải cho biết thêm, Sở An toàn thực phẩm sẽ phân chia các đội kiểm tra - pháp chế theo từng địa bàn, đảm bảo phủ khắp 168 phường, xã, đặc khu của TP.HCM.

Trong khi đó, đại tá Trần Hồng Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết hiện bộ luật Hình sự sửa đổi đã có đủ cơ sở xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả. Tuy nhiên, đại tá Minh đề xuất sớm sửa các luật chuyên ngành, quy định rõ cơ quan quản lý đầu ra thực phẩm để thuận tiện trong công tác phối hợp, xử lý.

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của QH, cho biết phiên giải trình vào tháng 8.2025 sẽ làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cũng như trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để việc quản lý thuốc, thực phẩm hiệu quả hơn. 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao