Má tôi, 'thầy gác điện' âm thầm mà bền bỉ

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xứ Quảng Nam, má tôi - một người đàn bà lam lũ, học chưa hết lớp 3 lại là người đầu tiên dạy tôi thế nào là tiết kiệm điện và an toàn điện. Không cần khẩu hiệu, chẳng cần lớp tập huấn, má dùng chính đôi tay tảo tần và ánh mắt nghiêm nghị của má đã làm gương cho cả nhà.

Căn nhà nhỏ ấy, mỗi công tắc, ổ điện đều được má cẩn thận để ý. Dây điện cũ là má kêu ba thay liền, "dây đứt, rờ tới là điện giật chết chớ chơi à", má vẫn thường hay nói vậy. Cái ổ cắm có tia lửa lép bép một lần, má tháo ra, bọc kỹ rồi đem bỏ, không cho ai dùng nữa.

 - Ảnh 1.

Công nhân ngành điện đang xử lý sự cố về điện do sử dụng quá tải

Ảnh: THANH THIỆN

"Không xài mà cứ để đó, vừa hao điện, vừa dễ phát lửa"

Nhà tôi không bao giờ có cảnh dây điện chằng chịt hay cắm quá nhiều thiết bị vào một ổ. Quạt máy, nồi cơm, tivi… mỗi thứ đều có ổ cắm riêng, gọn gàng, chắc chắn. "Không để dây vướng vấp, không sờ tay ướt vô công tắc" má nhắc mãi, đến mức tôi thuộc lòng như học bảng cửu chương.

Má có một thói quen đặc biệt, đó là đi tới đâu là tắt điện tới đó. Từ cái bóng đèn ở bếp đến cái quạt bàn, từ chiếc nồi cơm điện nấu xong là rút liền phích cắm, má không để bất kỳ thiết bị nào "ngủ quên" trong dòng điện.

Ban trưa, thay vì bật quạt hay ngồi máy lạnh như người thành phố, má trải chiếc chiếu mát dưới hiên, nằm võng hoặc đung đưa ngoài xích đu với tiếng gió và chim hót. Má nói: "Gió trời là quạt thiên nhiên, vừa mát vừa khỏi tốn tiền điện, khỏi lo chập cháy".

Điều đặc biệt là má dặn chúng tôi luôn rút phích cắm khi không dùng thiết bị điện, nhất là buổi tối. "Không xài mà cứ để đó, vừa hao điện, vừa dễ phát lửa", má nói. Lúc nhỏ tôi thấy phiền, nhưng lớn lên rồi mới hiểu chính sự kỹ lưỡng ấy giúp nhà tôi tránh biết bao nguy cơ rò điện, chập cháy âm ỉ ban đêm.

Mỗi khi trời sắp mưa giông, má kiểm tra kỹ lại các ổ cắm, dặn tụi tôi không dùng điện vào giờ có sấm chớp. Cái tivi, cái ấm siêu tốc, nồi cơm điện đều được rút ra hết. "Sét đánh trúng dây điện rồi phát nổ đó nghen", má bảo vậy, tay làm mà mắt vẫn canh chừng cửa sổ.

Giờ đây tôi đã là nhân viên văn phòng, cuộc sống hiện đại với hàng trăm thiết bị điện bao quanh. Bước ra khỏi phòng, tôi tự động quay lại tắt điện. Trước khi ra khỏi nhà, tôi luôn kiểm tra ổ cắm như một thói quen.

Còn má, nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn giữ cho mình những nếp xưa. Mỗi sáng, má vẫn mở cửa đón nắng thay vì bật đèn. Mỗi tối, má tắt hết các thiết bị trước khi đi ngủ, kiểm tra một vòng xem có ổ cắm nào còn sáng đèn.

Vun đắp nếp sống tiết kiệm điện

Không cần đến những chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, chỉ bằng đôi bàn tay gầy guộc và ánh mắt nghiêm nghị, má tôi đã vun đắp nên một nếp sống biết trân trọng từng dòng điện, biết phòng tránh rủi ro điện giật, cháy nổ và biết tiết kiệm điện để chia sẻ phần điện đó cho cộng đồng.

 - Ảnh 2.

Má tôi năm nay đã gần 70 tuổi nhưng luôn vẫn giữ cho mình những nếp xưa

Ảnh: TGCC

Tôi từng nghĩ tiết kiệm điện là chuyện lớn lao, cần thiết bị hiện đại hay công nghệ cao. Nhưng má đã dạy tôi tiết kiệm bắt đầu từ ý thức, từ việc tắt đèn khi ra khỏi phòng, rút phích cắm sau khi dùng, không dùng thiết bị lúc mưa giông, không để ổ điện quá tải…, những điều nhỏ thôi, nhưng nếu mỗi nhà đều làm, sẽ thành sức mạnh lớn.

Trong ánh sáng dịu nhẹ của bóng đèn tiết kiệm điện mà má treo ngay giữa nhà, tôi thấy hình bóng má, vẫn cẩn thận, tỉ mẩn, vẫn là người thầy "gác điện" âm thầm nhưng bền bỉ. Và tôi thầm nhủ: Tiết kiệm điện, an toàn điện không phải là chuyện riêng của má tôi, mà phải là thói quen chung của tất cả chúng ta.

130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân

Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 An toàn - Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.

Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan - để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.

Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.

Gửi bài qua email: [email protected].

Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, TP.HCM.

(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn.

 - Ảnh 3.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao