"Chiều nào bà với ông cũng coi cho hết bản tin thời sự. Người nào quên thì nhắc nhau tắt tivi. Mới bữa trước xem xong, bà quên tuốt luốt, quay qua hỏi ổng, ổng cũng lắc đầu...", bà cười, vỗ đét lên đùi như kể một câu chuyện hài. Ông tôi ngồi kế bên, nhướng mày làm bộ nghiêm, rồi cũng bật cười, chẳng nhớ mình hôm ấy đã coi cái gì.
Mà thiệt, hồi trước ti vi nhà bà mở suốt đêm. Không phải vì ham coi, mà chỉ để "có tiếng người trong nhà cho đỡ buồn". Màn hình cứ sáng le lói tới tận khuya, tiếng người nói rì rầm làm bạn với hai ông bà già. Ánh sáng ấy, trong lòng tôi, chẳng khác gì một cách lặng lẽ để ông bà neo giữ lại cuộc sống an yên mỗi ngày.

Tắt các thiết bị khi không sử dụng góp phần kéo giảm điện năng tiêu thụ
Ảnh: QUỲNH TRÂN
Cho đến một đêm mưa lớn, cúp điện bất ngờ. Bà mò mẫm đi tìm đèn pin, vấp chân vô cạnh bàn suýt ngã. May không sao. Nhưng sau cái đêm đó, bà bắt đầu… tắt tivi sớm.
Ban đầu, tôi tưởng bà chỉ sợ té nên tắt sớm. Nhưng rồi tôi thấy nhiều thứ khác cũng đổi theo: ổ cắm nào không dùng thì được rút ra, dây điện cũ được ông thay lại từng đoạn. Quạt không mở suốt đêm nữa. Nồi cơm điện chỉ cắm đúng bữa ăn, không hâm đi hâm lại như trước. Bà cũng chịu thay đèn LED cho sáng mà ít hao điện. Bà không gọi đó là tiết kiệm. Bà chỉ cười: "Bớt hao chút, sống lâu hơn chút".
Không ai trong nhà nhắc, nhưng tụi tôi cũng thay đổi theo lúc nào chẳng hay. Cha tôi bắt đầu sửa lại đường dây điện cũ. Mẹ dậy sớm giặt đồ, tranh thủ phơi trước khi nắng gắt. Đứa em út giờ coi phim xong là tắt tivi, không để máy chạy rì rì nữa.
Có những điều không cần dạy, chỉ cần thấy người thân làm mỗi ngày. Nhỏ thôi, nhưng ăn sâu thành thói quen.
Lúc trước tôi nghĩ, chắc mấy nhà thiếu thốn lắm mới phải để ý chuyện tiết kiệm điện. Nhưng càng lớn, càng thấy: ai sống biết chừng mực, biết xài đúng lúc, đúng cách mới là người hiểu chuyện. Xài đủ, xài đúng, xài an toàn là thông minh. Nhà khá giả giờ gắn pin mặt trời, đèn cảm biến, thiết bị tự ngắt khi không dùng. Không phải vì tiếc tiền, mà vì hiểu rằng điện không vô hạn, môi trường cũng không còn sức chịu đựng lâu hơn nữa.
Ở ngôi nhà nhỏ của bà, một bóng đèn tắt đúng lúc không chỉ là để bớt hao điện, mà còn là cách sống biết lo, biết nghĩ, biết thương. Thương ông già yếu, ngủ không ngon nếu ánh sáng chói mắt. Thương cái cầu dao lâu ngày chưa thay, lỡ chạm mạch thì nguy. Và thương chính mình, một người già, sống với nhau từng ngày, không biết ai đi trước ai sau, chỉ biết cố gắng làm mọi thứ nhẹ nhàng nhất có thể.
Tôi không nhớ rõ từ bao giờ, bà trở nên "khó tính" với điện như vậy. Nhưng nhờ đó, nhà không còn cảnh quạt chạy vô nghĩa suốt trưa, không có dây sạc lòng thòng giữa nền nhà, cũng chẳng còn cảnh đèn sáng trưng cả đêm.
Có một lần, tôi hỏi bà: "Bà ơi, sao không để mở cho vui tai chút?". Bà xoa đầu tôi, nói nhỏ: "Lúc còn trẻ thì thích sáng đèn. Già rồi, mình thích tối chút cho dễ ngủ. Với lại... tiết kiệm được gì hay nấy con à".
Bà nói nhẹ, mà nghe như cả một đời người từng trải.
Từ khi bà tôi tắt tivi sớm, tôi mới thật sự hiểu: tiết kiệm điện không phải là nhịn dùng, mà là dùng đúng, đủ và thương. Một căn nhà không cần sáng trưng mới gọi là tiện nghi. Một mái ấm biết thương nhau, biết nghĩ cho nhau, mới là thứ ánh sáng thật sự.
Mỗi người tắt một bóng đèn không cần thiết, rút một dây sạc đã đầy, tắt quạt khi phòng đã mát... là đang góp một phần rất nhỏ để giữ cho ngôi nhà mình, khu xóm mình và cả hành tinh này được thở đều hơn, sạch hơn.
Điện không chỉ là thứ thừa để bật mãi mà còn là cách thức chúng ta sống.
130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân
Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 An toàn - Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.
Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan - để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.
Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.
Gửi bài qua email: [email protected].
Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, TP.HCM.
(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn.
