"Một mình thú y làm không nổi"
Theo Cục Chăn nuôi và thú y, thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước có 636 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 30/34 tỉnh, thành phố với hơn 42.000 con lợn bị tiêu hủy và vẫn còn 256 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Công an Hà Nội bắt giữ đường dây tiêu thụ lợn nhiễm bệnh tại xã Thường Tín và xã Hòa Xá đem tiêu thụ tại chợ Phùng Khoang
ẢNH: N.B
Ông Phan Quang Minh, Cục phó Cục Chăn nuôi và thú y, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan vừa qua là tình trạng người dân giấu dịch, vận chuyển, giết mổ lợn nhiễm dịch và vứt xác lợn chết ra môi trường.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y mỏng nên khó kiểm tra, xử lý hết các ổ dịch.
Cũng theo ông Minh, điểm yếu trong công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là các địa phương chưa siết chặt kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không có giấy phép. Trong thời gian vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ lợn dịch, lợn bệnh được giết mổ ở các cơ sở này rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
"Trong số 25.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên cả nước thì 70% đang hoạt động không phép, thiếu sự giám sát của thú y", ông Minh nói.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, cho biết tình trạng thương lái trốn, né kiểm dịch rất phổ biến. Tại Bình Dương, cơ quan thú y kiểm tra 22 xe vận chuyển lợn, chỉ có 13 xe có giấy kiểm dịch.
Sau khi sáp nhập, TP.HCM mới quy mô dân số trên 14 triệu dân, xen lẫn là các khu công nghiệp sẽ rất khó kiểm soát các điểm giết mổ trái phép, trong khi nguồn thực phẩm từ các điểm giết mổ này vẫn được tiêu thụ dễ dàng.
"Để kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ trái phép, ngăn chặn giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, mắc bệnh dịch thì mỗi địa phương cần thành lập đội kiểm tra liên ngành có công an, quản lý thị trường, thú y và chính quyền địa phương thì mới siết chặt quản lý được, còn một mình thú y thì làm không nổi", ông Cường nói.
Ông Hoàng Mạnh Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ, cho biết các vụ việc giết mổ lợn bệnh, lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi được phát hiện, bắt giữ gần đây đều là các "lò mổ" ở khu dân cư.
Sau khi sáp nhập Vĩnh Phúc, Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ mới có trên 2.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chỉ có 8 cơ sở có cán bộ thú y kiểm soát. Nếu thực hiện kiểm soát cơ sở giết mổ theo đúng quy định, cán bộ thú y phải đến cơ sở làm việc từ 3 - 4 giờ sáng, kiểm tra từ đầu vào, trong quá trình giết mổ, sản phẩm đầu ra để đóng dấu kiểm dịch.
Cũng theo ông Thông, Nghị định 131/2025/NĐ-CP ngày 12.6.2025 đã phân cấp cho UBND xã quản lý cơ sở giết mổ tập trung nhưng khó khăn lớn nhất là nhiều xã không có cán bộ thú y.
Theo đó, ông Thông đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nếu đủ điều kiện hoặc có khả năng nâng cấp đảm bảo các điều kiện, quy định về an toàn thực phẩm thì cấp phép hoạt động, còn không đạt phải đóng cửa.
"Cơ sở giết mổ khi được cấp phép hoạt động phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y kiểm soát nguồn gốc động vật từ khi đưa vào giết mổ cho đến sản phẩm đầu ra; định kỳ hoặc đột xuất. Phải lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm để quy trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm đưa ra thị trường", ông Thông nói.
Không để địa phương mặc kệ, người chăn nuôi thiệt hại
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện 5 vụ giết mổ lợn bệnh, lợn dịch. Do có giá rẻ, những loại thịt lợn này vẫn được tiêu thụ ở các chợ dân sinh, điểm bán lẻ, thậm chí là qua mạng xã hội nên rất khó phát hiện, ngăn chặn.

Người chăn nuôi giấu dịch, vứt xác lợn chết ra môi trường khiến công tác ngăn chặn, dập dịch tả lợn châu Phi gặp nhiều khó khăn
ẢNH: MINH TIẾN
"Giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh đang là loại tội phạm mới và phải nhờ công an thì mới bắt giữ, xử lý được", ông Tường nhìn nhận.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chỉ ra, thực tế trong nhiều vụ bắt giữ vận chuyển, giết mổ lợn dịch tả lợn châu Phi vừa qua "chỉ thấy công an, quản lý thị trường mà không thấy thú y đâu, thú y đang làm gì". Theo ông Tiến, phải thẳng thắn nhìn nhận, làm rõ trách nhiệm của hệ thống thú y, các chi cục thú y vùng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, bộ máy chính quyền 2 cấp đã hoàn thiện, ngành thú y phải rà soát toàn diện hệ thống văn bản, các quy định pháp luật để tham mưu điều chỉnh, không để tình trạng địa phương buông lỏng, mặc kệ trong khi dịch bệnh bùng phát, không kiểm soát gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ghi nhận kiến nghị từ địa phương, ông Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang nghiên cứu giải pháp quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, sửa luật Thú y phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để phân rõ trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống dịch bệnh.