Do đó, bước đầu tiên người nộp thuế thu nhập cá nhân cần xác định được bản thân là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú để áp dụng cách tính thuế chính xác.

Người dân quyết toán thuế thu nhập cá nhân
ẢNH: THANH NIÊN
Trong bài viết này, luật sư Nguyễn Đức Huy (Công ty luật Viên An) sẽ hướng dẫn bạn đọc cách tính thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế. Đối tượng cá nhân không cư trú sẽ được bổ sung ở bài sau.
Đối với cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế, việc tính thuế thu nhập cá nhân được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Tính thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập được nhận - Thu nhập được miễn thuế
Trong đó:
- Tổng thu nhập được nhận: quy định tại Điều 3 luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, dựa theo cách tính thuế, thì được chia làm 2 nhóm như sau:
(1) Thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công
(2) Thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại, nhận thừa kế, quà tặng
- Thu nhập được miễn thuế: quy định tại Điều 4 luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bước 2: Tính thu nhập tính thuế
* Đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện - Các khoản giảm trừ
Trong đó:
- Các khoản bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện.
- Các khoản giảm trừ bao gồm:
(1) Giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc: mức giảm trừ được quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, theo đó:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm)
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng
(2) Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.
* Đối với các thu nhập khác:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế
Bước 3: Tính thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó, thuế suất (%) được quy định khác nhau đối với các nhóm thu nhập, cụ thể:
* Đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công:
Thuế suất (%) hiện đang áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 luật Thuế thu nhập cá nhân 2007. Cách tính cụ thể như sau:
Bậc thuế | Thu nhập tính thuế (TNTT)/tháng (triệu đồng) | Thuế thu nhập cá nhân phải nộp |
1 | Đến 5 | 0 trđ + 5% TNTT |
2 | Trên 5 đến 10 | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ |
3 | Trên 10 đến 18 | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ |
4 | Trên 18 đến 32 | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ |
5 | Trên 32 đến 52 | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ |
6 | Trên 52 đến 80 | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ |
7 | Trên 80 | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ |
* Đối với các thu nhập khác:
Thuế suất (%) hiện đang áp dụng theo biểu thuế toàn phần quy định tại Điều 23 luật Thuế thu nhập cá nhân 2007. Cụ thể đối với từng thu nhập như sau:
Thu nhập tính thuế | Thuế suất (%) |
Thu nhập từ đầu tư vốn, bản quyền, nhượng quyền thương mại | 5 |
Thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng | 10 |
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán | 20 0,1 |
Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản | 2 |
Cá nhân có cư trú, là người có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Phạm vi thu nhập chịu thuế: phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.