Ít nhất 147 du học sinh gần đây bị tước quyền lưu trú không loại trừ trường công hay trường tư ở Mỹ, theo Đài NBC News dẫn thông tin từ các trường đại học. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 27.3 xác nhận nước này đã trục xuất hơn 300 du học sinh, khách trao đổi, giao lưu văn hóa, học thuật.
Nguyên nhân bị tước quyền lưu trú
Du học sinh đến Mỹ thường được cấp thị thực F-1, và đương đơn phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể của chính quyền liên bang và trường theo học. Năm 2024, Mỹ cấp hơn 400.000 thị thực cho học sinh, sinh viên nước ngoài, theo tờ The New York Times.
Hàng loạt du học sinh tại Mỹ bị thu hồi visa
Tờ báo trên hôm qua dẫn lời một vài luật sư di trú kể lại từ tuần trước họ bắt đầu nhận được nhiều thư điện tử và các cuộc gọi tới tấp từ các du học sinh bị báo tước quyền lưu trú. Việc bị tước thị thực đồng nghĩa du học sinh đó lưu trú tại Mỹ bất hợp pháp và phải rời nước này ngay nếu không muốn bị bắt giữ và tạm giam cho đến ngày bị trục xuất.
Thông thường, du học sinh bị hủy bỏ thị thực nếu vi phạm các quy định của nước sở tại hoặc trường theo học. Những lý do này thường là đi làm dù không được cấp phép, hoặc điểm số giảm dưới ngưỡng cho phép. Tại Đại học New York, sinh viên cần duy trì điểm trung bình trên 2,0 cho tất cả các môn. Du học sinh cũng có thể bị thu hồi thị thực nếu trở thành mối nguy hiểm cho cộng đồng.

Mỹ cấp hơn 400.000 thị thực cho du học sinh trong năm 2024
Ảnh: AP
Phạm tội hình sự lâu nay luôn là lý do khiến du học sinh bị hủy bỏ thị thực, nhưng các vi phạm khác như liên quan giao thông hiếm khi được sử dụng làm cơ sở cho quyết định tước quyền lưu trú. Tuy nhiên, không ít trường hợp mới đây bao gồm lái xe quá tốc độ hoặc điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng độ cồn.
Nguy cơ chảy máu chất xám
Bên cạnh du học sinh, các nhà nghiên cứu nước ngoài đang làm việc ở Mỹ cũng lo lắng cho tương lai ở Mỹ. Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo cắt giảm ngân sách liên bang cho các trường đại học, hơn 75% số nhà khoa học quốc tế giờ đây cân nhắc rời nước này, theo chuyên san Nature công bố kết quả khảo sát hơn 1.600 người vào cuối tháng 3.
"Xu hướng trên đặc biệt rõ nét trong số các nhà nghiên cứu mới bước vào nghề", báo cáo cho biết. "Ai nấy vô cùng lo lắng", AFP dẫn lời một người vừa bị cắt kinh phí là nghiên cứu sinh Daniella Fodera của Đại học Columbia. Trong bối cảnh này, một số đại học ở châu Âu và Canada triển khai các sáng kiến để thu hút nhân tài từ Mỹ. Đó là chưa kể khả năng một số nhà khoa học tương lai quyết định đổi nghề, dẫn đến sự tổn thất cả thế hệ đối với toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu khoa học, theo AFP dẫn lời một nhà khí hậu học giấu tên.
Số liệu về du học sinh ở Mỹ
The New York Times dẫn số liệu NAFSA, hiệp hội phi lợi nhuận của các nhà giáo dục quốc tế, cho thấy 1,1 triệu du học sinh ở các trường cao đẳng và đại học Mỹ đã đóng góp 43,8 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2023 - 2024. Đại học New York (NYU) có nhiều du học sinh nhất, kế đến là Đại học Đông Bắc, Đại học Columbia và Đại học bang Arizona, theo báo cáo của Viện Giáo dục quốc tế. Tại NYU, 22% số sinh viên là người nước ngoài. Du học sinh Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các sinh viên nước ngoài, đạt 29%, kế đến là Trung Quốc (25%). VN đứng thứ 6 với 2%.