Giải mã máy tính hơn 2.000 năm tuổi

Cỗ máy Antikythera được một số nhà khoa học coi là máy tính đầu tiên trên thế giới, khi những nghiên cứu chỉ ra thiết bị này có thể đo đạc chu kỳ thiên văn với độ chính xác vượt trội so với tri thức và công nghệ hơn 2.000 năm trước.

Giải mã máy tính hơn 2.000 năm tuổi - Ảnh 1.

Cỗ máy Antikythera được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia ở TP.Athens, Hy Lạp năm 2014

ẢNH: AFP

Kênh History mới đây dẫn lời ông Tony Freeth, từ Đại học London (Anh) và đã dành 25 năm nghiên cứu máy Antikythera, cho rằng thiết bị này "đã tóm gọn mọi tri thức về thiên văn được biết đến vào cùng thời". Cỗ máy có thể theo dõi vị trí các thiên thể, dự đoán các hiện tượng như nhật thực hay chu kỳ mặt trăng.

Bí ẩn của ‘máy tính’ 2.000 năm tuổi được YouTuber giúp giải mã

Bí ẩn ngủ sâu

Cỗ máy đã nằm sâu dưới đại dương trong hơn 2.000 năm, sau một vụ đắm tàu vào khoảng năm 60 trước công nguyên tại đảo Antikythera của Hy Lạp. Máy tính Antikythera được phát hiện vào năm 1901, khi các thợ lặn trục vớt đồ vật từ xác con tàu đắm. Cỗ máy có dạng hình khối này ban đầu không được nhiều người chú ý so với các bức tượng cẩm thạch. Tuy nhiên, khi được đem đến Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Hy Lạp để lưu trữ, quá trình tìm hiểu công dụng của cỗ máy mới thực sự bắt đầu.

Giải mã máy tính hơn 2.000 năm tuổi - Ảnh 2.

Bản tái tạo cỗ máy Antikythera được trưng bày tại Bảo tàng Công nghệ Hy Lạp cổ đại năm 2020

ẢNH: REUTERS

Các nhà nghiên cứu ban đầu đưa ra nhiều giả thuyết cho ứng dụng của hiện vật họ thu được, chẳng hạn xem đây như thiết bị dẫn đường. Ông Tony Freeth, cho rằng mọi giả thuyết đầu tiên hầu hết đều sai. Ông nêu thêm một chuyên gia ngôn ngữ Đức tên Albert Rehm vào năm 1905 là người dự đoán công năng gần đúng nhất, khi cho rằng Antikythera là một cỗ máy tính toán thiên văn phức tạp, theo kênh History ngày 15.4.

Bước đột phá lớn xảy đến khi nhà vật lý người Anh Derek de Solla Price nghiên cứu cỗ máy này vào giữa thế kỷ 20. Ông cho chụp X-quang thiết bị và thấy dạng hình cơ bản của máy, với 2 mặt hiển thị số. Vào thập niên 1990, các nhà khoa học đã tận dụng công nghệ ảnh 3 chiều để làm rõ thêm chi tiết của cỗ máy này, với hàng chục bánh răng bên trong và hàng ngàn răng cưa lồng vào nhau, tương tự cơ chế của những chiếc đồng hồ cơ học hiện đại.

Cỗ máy "vượt thời gian"

Các nhà khoa học trước đây đã xác định được cơ chế hoạt động của cỗ máy. Người ta dùng tay quay hoặc núm vặn để di chuyển các bánh răng bên trong, làm xoay các mũi kim đại diện cho mặt trời, mặt trăng và các hành tinh. Từ đó, người Hy Lạp cổ đại có thể xác định vị trí của các ngôi sao trong thời điểm quá khứ và tương lai, cũng như vị trí tương quan của chúng so với trái đất.

Điểm nổi bật là các thiên thể trên cỗ máy không di chuyển theo vòng tròn đều, mà có quỹ đạo hình elip và tốc độ chênh lệch rất giống với thực tế. Đây là điều khiến các nhà khoa học kinh ngạc với tri thức của những người góp công tạo nên sản phẩm này. Nguyên nhân là hơn 2.000 năm trước, quỹ đạo elip và thuyết nhật tâm (xác định mặt trời là trung tâm vũ trụ) vẫn chưa phải lý thuyết phổ biến rộng rãi. Bên ngoài cỗ máy còn có các mặt được cho là hiển thị tính toán nhật thực, chu kỳ mặt trăng, các mặt số thể hiện thời gian chu kỳ 4 năm của Thế vận hội nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại.

Hiện còn những tranh cãi xoay quanh công dụng thật sự của cỗ máy Antikythera. Trang Live Science hồi đầu tháng 4 dẫn nghiên cứu từ nhóm khoa học tại Argentina, chạy các mô phỏng hoạt động của cỗ máy và kết luận rằng máy có nhiều sai sót, không thực sự hữu dụng cho một thiết bị đo đạc thiên văn và có thể chỉ là món đồ chơi giáo dục. Tuy nhiên, độ tinh xảo của thiết bị đã đặt ra nhiều giả thiết về ứng dụng nâng cao hơn, đồng thời quá trình ăn mòn hàng ngàn năm cũng đã khiến thiết bị khác xa trạng thái ban đầu.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao