Mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Mỹ

Tờ The New York Times ngày 19.4 dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ xác nhận ông Michael Faulkender sẽ thay ông Gary Shapley làm quyền Ủy viên Cơ quan Thuế Mỹ (IRS). Đây là sự thay đổi vị trí lãnh đạo IRS chóng vánh, khi ông Faulkender là người thứ 3 nắm tạm quyền trong tuần này.

Các nguồn thạo tin cho hay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bày tỏ với Tổng thống Donald Trump về sự không hài lòng với việc mình bị tỉ phú Elon Musk "qua mặt" khi đưa ông Shapley lên làm lãnh đạo IRS - cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính - từ ngày 15.4. Đây là một trong những vụ việc mới nhất phản ánh những rạn nứt trong nội bộ chính quyền Mỹ sau 3 tháng hoạt động.

Tổng thống Trump: Chủ tịch Fed sẽ từ chức ‘nếu tôi yêu cầu’

Cãi nhau trước ông Trump

Theo tờ Politico dẫn lời một cố vấn chính trị thân cận với ông Trump, trong số những người đếm từng ngày và mong tỉ phú Musk ra đi có Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, Phó chánh văn phòng Nhà Trắng James Blair và Giám đốc Văn phòng nhân sự tổng thống Sergio Gor. Các quan chức này thất vọng về việc ông Musk đưa ra các quyết định điều hành đột xuất trên vai trò lãnh đạo Ban Hiệu quả chính phủ. Họ rất bức xúc khi không biết trước về email của ông Musk buộc các nhân viên liên bang phải mô tả công việc. Ông Musk cho biết mình đã được ông Trump cho phép. Theo giới quan sát, bà Wiles có chủ trương làm việc nhóm, trái với cách làm việc của ông Musk.

Mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Mỹ - Ảnh 1.

Cuộc họp nội các Mỹ ngày 10.4

ẢNH: REUTERS

Tỉ phú Musk còn tranh cãi với Ngoại trưởng Marco Rubio trong một cuộc họp giữa ông Trump với các quan chức Nhà Trắng ngày 6.3. Đài ABC News dẫn các nguồn thạo tin cho hay ông Musk chỉ trích ông Rubio chưa sa thải nhân viên tại Bộ Ngoại giao, trong khi ông Rubio bác bỏ và nói rằng cơ quan ông có hơn 1.000 nhân viên đã nhận gói thôi việc. Ông Trump ngồi theo dõi "lời qua tiếng lại" giữa Ngoại trưởng Rubio và tỉ phú Musk, trước khi xen vào và nói rằng ông Rubio đã làm tốt.

Bất đồng về thuế quan

Bộ máy chính quyền của ông Trump còn bộc lộ mâu thuẫn nội bộ khi ông leo thang cuộc chiến thương mại với các nước. Theo tờ The Sunday Times, đối với những người theo chủ nghĩa bảo hộ cứng rắn như Cố vấn Thương mại Peter Navarro, thuế quan là biện pháp lâu dài nhằm đưa ngành sản xuất của Mỹ trở lại. Trong khi đó, những người có khuynh hướng duy trì thương mại toàn cầu lại xem thuế quan là công cụ đàm phán ngắn hạn để buộc các nước đạt được thỏa thuận tốt hơn với Mỹ.

Sau khi thị trường tài chính biến động mạnh hôm 9.4 do ông Trump tuyên bố áp thuế với một loạt nền kinh tế, Bộ trưởng Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick muốn Nhà Trắng dừng kế hoạch này.

Ông Trump nêu ‘thành tựu đáng tự hào nhất’ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ

Trong khi đó, Cố vấn Thương mại Peter Navarro lại ủng hộ chính sách thuế. Theo tờ The Wall Street Journal, vào sáng hôm đó, khi biết ông Navarro có cuộc gặp với cố vấn kinh tế Kevin Hassett ở một địa điểm khác trong Nhà Trắng, ông Bessent và ông Lutnick đã vội vàng đến phòng Bầu dục gặp ông Trump để đề xuất hoãn áp thuế. Cuộc gặp này không nằm trong lịch trình của ông Trump. Theo một nguồn tin, 2 bộ trưởng trên đã ở lại đến khi ông Trump đăng nội dung trên mạng xã hội Truth Social về việc hoãn áp thuế. Điều này khiến ông Navarro bất ngờ. Sau đó, ông Bessent và thư ký báo chí Karoline Leavitt lập tức gặp các phóng viên để công bố.

Chính phủ "vận hành như doanh nghiệp"

Reuters ngày 19.4 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay chính quyền của ông sẽ thay đổi cách xếp loại nghề nghiệp của hàng loạt nhân viên liên bang, được giới quan sát cho là động thái giúp dễ dàng tinh giản thêm. Những nhân viên chính phủ làm việc về các vấn đề chính sách sẽ được xếp vào diện "lịch trình chính sách/nghề nghiệp". Sự thay đổi này sẽ đảm bảo chính phủ liên bang "vận hành như một doanh nghiệp", theo ông chủ Nhà Trắng.

Như vậy, một số lượng lớn trong 2,3 triệu nhân viên liên bang có khả năng mất các quyền bảo vệ việc làm khi bị xem như lao động tự nguyện. Chủ tịch Liên đoàn Nhân viên chính phủ Mỹ Everett Kelley chỉ trích động thái trên và cho biết liên đoàn với 800.000 thành viên này sẽ đấu tranh phản đối. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, hơn 260.000 nhân viên liên bang đã bị sa thải, nhận gói thôi việc, nghỉ hưu sớm hoặc bị đưa vào danh sách chờ sa thải.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao