Ông Peskov cũng cáo buộc Ukraine không tuân thủ thỏa thuận và liên tục tập kích các cơ sở năng lượng Nga. Cũng trong ngày 18.4, ông Vladislav Maslennikov, quan chức phụ trách các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga, cảnh báo NATO sẽ nhận hậu quả tiêu cực nếu điều quân tới Ukraine.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24, ông Maslennikov nhấn mạnh: "Cuộc thảo luận liên quan tên lửa Taurus đang diễn ra sôi nổi. Nó chứng minh, giống như các đồng minh NATO khác, Đức đang chuẩn bị tiếp tục leo thang xung đột ở Ukraine. Một cuộc tấn công bằng tên lửa Taurus sẽ đồng nghĩa Đức can dự trực tiếp vào xung đột và đứng về phía chính quyền Kyiv".
Mỹ có thể công nhận Crimea thuộc Nga?
Trong một diễn biến khác, Bloomberg ngày 18.4 trích dẫn nguồn tin thân cận cho hay Mỹ sẵn sàng công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa Moscow và Kyiv. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên. Nếu được thực hiện, động thái này sẽ đánh dấu một thay đổi đáng kể trong lập trường của Mỹ - vốn trước đây luôn khẳng định không công nhận việc Nga kiểm soát Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Giới chức Mỹ, Nga, Ukraine đều chưa bình luận về các thông tin mới trên.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov
ẢNH: REUTERS
Trong bối cảnh an ninh khu vực nhiều thách thức, Lithuania đang triển khai kế hoạch nâng cấp một tuyến đường chiến lược đi qua khu vực Suwałki Gap nhằm tăng cường năng lực phòng thủ và cải thiện khả năng kết nối quân sự với Ba Lan, theo tờ Politico ngày 18.4. Suwałki Gap được đánh giá là một trong những điểm dễ bị tổn thương nhất trong cấu trúc phòng thủ của NATO do đóng vai trò là hành lang đường bộ duy nhất kết nối 3 nước Baltic với phần còn lại của liên minh. Song song đó, Lithuania cũng tiếp tục phát triển tuyến đường sắt Rail Baltica - một dự án kết nối các nước Baltic với Ba Lan, nhằm cải thiện khả năng cơ động quân sự, hỗ trợ sơ tán dân sự trong tình huống khẩn cấp và thúc đẩy lưu thông hàng hóa.