Nhiều thị trường giảm điểm mạnh
Hôm qua (7.4), thị trường chứng khoán khu vực châu Á lẫn châu Âu đều giảm mạnh. Điển hình, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm đến 13,22%, là mức giảm trong một phiên lớn nhất kể từ tháng 10.1997. Tất cả 14 chỉ số chứng khoán chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đều giảm, với 11 chỉ số trong nhóm này chạm mức thấp nhất trong 52 tuần. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 7,8%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 5,6%, chỉ số S&P/ASX 200 (Úc ) mất 4,2% và chỉ số Straits Times (Singapore) giảm 8%.
Cổ phiếu lại lao dốc, ông Trump nói thị trường cần ‘liều thuốc đắng’
Tương tự, thị trường chứng khoán châu Âu cũng lao dốc mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 3,83%, DAX (Đức) giảm 3,47% (có lúc giảm gần 10%), FTSE (Anh) giảm 3,6%, CAC (Pháp) giảm 3,93%, PSI-20 (Bồ Đào Nha) giảm 4,76%.
Phân tích của Tập đoàn tài chính Deutsche Bank (Đức) đánh giá: "Sự lao dốc của thị trường toàn cầu phản ánh mối lo ngại sâu sắc rằng các loại thuế mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến lạm phát tăng tốc và gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng".

Chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm điểm kỷ lục vào hôm qua
Ảnh: Reuters
Cùng ngày 7.4, AP dẫn lời Tổng thống Trump, phát biểu với báo giới trên chuyên cơ Không lực 1, khẳng định ông không muốn thị trường toàn cầu giảm, nhưng ông cũng không lo lắng về diễn biến trên thị trường chứng khoán. "Đôi khi bạn phải chấp nhận uống thuốc để chữa bệnh", ông Trump nói.
Bên cạnh đó, trả lời đài CBS ngày 6.4 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick khẳng định: "Việc áp thuế quan đang đến. Tổng thống Trump đã thông báo điều đó, và ông ấy không đùa".
Thách thức cho châu Á - Thái Bình Dương
Trong phân tích gửi đến Thanh Niên hôm qua (7.4), Standard & Poor's (S&P) Ratings, nhà xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, tăng cường cảnh báo các nền kinh tế APAC.
"Thuế đối ứng của chính quyền Mỹ nghiêm trọng hơn dự tính và có thể làm suy yếu dòng chảy thương mại toàn cầu. Các nền kinh tế APAC phải đối mặt khó khăn lớn hơn, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào thương mại", phân tích nêu ra đồng thời khuyến nghị: "Tác động gián tiếp sẽ rất nghiêm trọng đối với các nền tài chính APAC. Niềm tin của doanh nghiệp và cả người dân sẽ giảm đi, nên các chính phủ phải sử dụng biện pháp tài khóa để thúc đẩy nền kinh tế".
Chi tiết hơn, chuyên gia phân tích tài chính Eunice Tan, thuộc S&P Global Rating, cho rằng: "Thuế đối ứng của chính quyền Mỹ tác động trải dài các nền kinh tế, thị trường tài chính, chuỗi cung ứng và địa chính trị. Điều đó khiến cho chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình phải điều chỉnh lại cách tiếp cận về quan hệ thương mại, đầu tư và tiêu dùng".
"Tác động tăng trưởng sẽ rất lớn đối với các nền kinh tế nhỏ và phụ thuộc vào thương mại. Các mức thuế đối ứng của Mỹ cùng với biện pháp "ăn miếng trả miếng" từ các nền kinh tế khác phản ứng có thể dẫn đến tăng trưởng GDP toàn cầu chậm hơn, gây ảnh hưởng các nền kinh tế APAC phụ thuộc vào thương mại. Mức độ tác động kinh tế và tài chính sẽ phụ thuộc vào thời điểm Mỹ áp thuế cũng như các biện pháp ứng phó và các biện pháp kích thích kinh tế từ các nền kinh tế bị ảnh hưởng", nữ chuyên gia Eunice Tan đánh giá.
Không những vậy, vị chuyên gia còn cảnh báo: "Kinh tế khu vực APAC có thể phải đối mặt với áp lực giảm lạm phát nhiều hơn. Với việc áp đặt các mức thuế rộng hơn này, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ cần phải tìm kiếm thị trường khác, làm tăng sự cạnh tranh về giá và dẫn đến siết chặt lợi nhuận. Mặt khác, các nền kinh tế khu vực có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ hơn để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, chuyên gia Tan cũng cho rằng: "Tình hình thương mại đang thay đổi cũng có thể mang lại lợi ích cho một bên - chẳng hạn như các nền kinh tế phải đối mặt với mức thuế tương đối thấp hơn và các nhà sản xuất hạ nguồn tiếp cận đầu vào và linh kiện rẻ hơn".
Tổng thống Trump ra tối hậu thư cho Trung Quốc
Viết trên mạng xã hội Truth Social tối qua (7.4), Tổng thống Trump nêu: "Trung Quốc đã ban hành mức thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ, đó là chưa kể mức thuế kỷ lục, thuế phi tiền tệ, hỗ trợ bất hợp pháp cho các công ty Trung Quốc và thao túng tiền tệ dài hạn. Họ bất chấp điều tôi cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào trả đũa Mỹ bằng thuế bổ sung".
Ông Trump tuyên bố: "Nếu Trung Quốc không rút lại mức tăng 34% thuế vào ngày mai (8.4), Mỹ sẽ bổ sung thuế đối với Trung Quốc là 50%, có hiệu lực từ ngày 9.4. Ngoài ra, tất cả các cuộc đàm phán với Trung Quốc liên quan các cuộc họp mà họ yêu cầu với chúng tôi sẽ bị chấm dứt! Các cuộc đàm phán với các quốc gia khác, những quốc gia cũng đã yêu cầu đàm phán sẽ bắt đầu diễn ra ngay lập tức".
Phía Trung Quốc chưa phản hồi thông điệp từ chủ nhân Nhà Trắng.