"Chóng mặt sau khi ăn thường xảy ra khi chúng ta ăn quá no, ăn quá nhanh hoặc mất nước", ông SM Fayaz, bác sĩ chuyên khoa nội tại Bệnh viện Aster Whitefield (Ấn Độ), cho biết.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt sau khi ăn, theo trang sức khỏe HealthShots (Ấn Độ).
Tụt huyết áp
Một nghiên cứu trên tạp chí Annals of Internal Medicine cho biết tụt huyết áp sau ăn là sự giảm huyết áp tâm thu 20 mmHg trở lên.
Nguyên nhân do cơ thể chuyển một lượng lớn máu đến hệ tiêu hóa để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi đó, lượng máu cung cấp lên não sẽ giảm đi, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, thậm chí là ngất xỉu.
Mất cân bằng đường huyết có thể gây chóng mặt
Ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc tinh bột trong một bữa có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt rồi giảm nhanh. Sự thay đổi đột ngột này khiến nhiều người cảm thấy chóng mặt, đặc biệt là những người bị tiểu đường hoặc kháng insulin.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, khi lượng đường giảm quá thấp, cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động bình thường, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi và thậm chí là lú lẫn.
Cơ thể mất nước
Mất nước xảy ra khi cơ thể thiếu chất lỏng. Sau khi ăn, cơ thể cần thêm nước để tiêu hóa thức ăn. Nếu không đủ nước, máu sẽ lưu thông kém, khiến não thiếu oxy và gây chóng mặt.
Đặc biệt, những bữa ăn mặn làm mất nhiều nước hơn, dễ gây chóng mặt sau khi ăn.
Liệt dạ dày
Liệt dạ dày là tình trạng dạ dày mất quá nhiều thời gian để tiêu hóa thức ăn sau khi ăn. Điều này thể dẫn đến đầy hơi, buồn nôn và chóng mặt sau khi ăn, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Quá trình tiêu hóa chậm gây khó chịu và trong trường hợp nghiêm trọng thậm chí có thể cản trở lưu lượng máu, khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng.
Ăn quá nhiều
Ăn quá nhiều, đặc biệt là đồ béo và ngọt, có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.
Khi ăn quá no, cơ thể sẽ tập trung hầu hết năng lượng để tiêu hóa thức ăn, khiến huyết áp giảm xuống và gây chóng mặt.
Ngoài ra, việc ăn quá nhiều còn dễ dẫn đến khó tiêu, ợ nóng, gây cảm giác khó chịu trong người.
Cách khắc phục
Để giảm thiểu các tình trạng trên, hãy thử chia nhỏ bữa ăn thành nhiều phần nhỏ trong ngày.
Việc uống đủ nước, đặc biệt là trước, trong và sau bữa ăn cũng rất quan trọng.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống cân bằng với đủ protein, chất béo lành mạnh và chất xơ sẽ giúp ổn định đường huyết.
Tránh nằm xuống ngay sau khi ăn, thay vào đó, hãy đi lại nhẹ nhàng để hỗ trợ tiêu hóa.
Nếu bạn bị tiểu đường hoặc nghi ngờ có vấn đề về đường huyết, hãy thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu của mình.