Mất 1/2 lượng máu cơ thể do xuất huyết
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) đang điều trị 9 ca sốt xuất huyết, là các ca bệnh nặng. Ca gần đây nhất bệnh viện tiếp nhận là cụ ông N.V.K, 82 tuổi, quê Thái Bình, được chuyển đến Khoa Cấp cứu, ở ngày thứ 6 của bệnh sốt xuất huyết.
Tại địa phương, bệnh nhân khởi đầu mệt mỏi và sốt nên đã đến cơ sở y tế điều trị. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu chỉ còn 7 G/L (thấp hơn 21 lần so với mức tối thiểu), xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.
Ngay khi nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân được chỉ định truyền khối tiểu cầu để hỗ trợ đông máu. Mặc dù tiểu cầu dần tăng và bệnh bước vào giai đoạn lui bệnh, nhưng tình trạng xuất huyết trong cơ vẫn diễn biến phức tạp. Máu chảy trong các mô cơ thành ngực, cẳng và bàn tay trái khiến vùng cơ đau nhức dữ dội, chuyển màu tím bầm. Nghiêm trọng hơn, chỉ số huyết sắc tố của bệnh nhân từ 140 T/L giảm xuống còn 70 T/L. Bệnh nhân mất đến một nửa lượng máu trong cơ thể, nguy kịch tính mạng.
Th.S - bác sĩ Đặng Hoàng Điệp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), cho biết: "Huyết sắc tố (Hgb) là chỉ số quan trọng phản ánh khả năng vận chuyển ô xy của cơ thể. Khi chỉ số này giảm sâu, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp kịp thời". Sau nửa tháng điều trị, bệnh nhân bình phục, đã được ra viện.
"Trường hợp bệnh nhân N.V.K là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, đặc biệt là biến chứng chảy máu trong cơ", BS Điệp chỉ ra, đồng thời lưu ý người mắc sốt xuất huyết cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như chảy máu bất thường, mệt, bứt rứt hay vật vã, khó thở hay bất kỳ triệu chứng nào bất thường. Những dấu hiệu tưởng chừng đơn giản có thể nhanh chóng tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.
Cũng tại bệnh viện này, Khoa Sản vừa tiếp nhận sản phụ B.H.N, 27 tuổi, ở Hà Nội, mang thai tuần thứ 38, nhập viện do sốt xuất huyết nặng. Tại thời điểm nhập viện, sản phụ trong tình trạng kiệt sức do sốt cao liên tục từ 38°C - 39°C. Đặc biệt, trên cơ thể xuất hiện nhiều ban xuất huyết điển hình, cùng với đó là dấu hiệu chuyển dạ, ối vỡ sớm và tiểu cầu hạ thấp nghiêm trọng (chỉ còn 15 G/L, thấp hơn tới 10 lần so với mức thông thường tối thiểu là 150 G/L). Đây là mức giảm nghiêm trọng, cần can thiệp y tế khẩn cấp.
"Tình trạng nguy kịch của sản phụ buộc chúng tôi phải chỉ định mổ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con", bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết.
Để đảm bảo an toàn, kíp phẫu thuật không chỉ bao gồm bác sĩ sản khoa và gây mê mà còn có sự tham gia của bác sĩ hồi sức và bác sĩ nhi sơ sinh. Trong suốt quá trình mổ lấy thai, bệnh nhân chảy máu nhiều và được thắt động mạch tử cung để cầm máu, được chỉ định truyền các chế phẩm máu, đặt ống thở máy qua nội khí quản.
Sau phẫu thuật, bé trai 2,7 kg chào đời an toàn. Sản phụ được chuyển điều trị hồi sức tích cực, tiếp tục truyền tiểu cầu và hồng cầu. Sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, rút được ống thở và đang tập thở bình thường.
Bác sĩ Hà phân tích, sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 4 thời kỳ: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục. Sốt xuất huyết có thể tiến triển nặng rất nhanh; phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý theo dõi sức khỏe, nhất là khi có các triệu chứng bất thường như sốt cao, mệt mỏi hoặc xuất hiện ban trên da.
Cẩn trọng khi bù dịch điều trị sốt xuất huyết
Thực tế có nhiều bệnh nhân sốt tự ý sử dụng dịch vụ truyền dịch hạ sốt, trong khi sốt cao có thể là triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết, truyền dịch có thể nguy hiểm với bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Quốc Bảo, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa khuyến cáo, trong điều trị bệnh sốt xuất huyết Degue (cộng đồng vẫn gọi là sốt xuất huyết), bù dịch đúng cách là một trong những biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa sốc và các biến chứng nguy hiểm. Nhưng bù dịch cần được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt là trong giai đoạn nguy hiểm khi có hiện tượng thoát huyết tương, cô đặc máu và nguy cơ sốc.
Theo bác sĩ Bảo, sốt xuất huyết khi ở giai đoạn sốt (thường là 3 - 4 ngày đầu), bệnh nhân có thể sốt cao và mất nước do đổ mồ hôi, nhưng chưa có dấu hiệu thoát huyết tương. Giai đoạn này nên uống nhiều nước để bù dịch, có thể sử dụng các loại nước uống điện giải, nước trái cây, hoặc oresol. Truyền dịch đường tĩnh mạch thường không cần thiết nếu bệnh nhân có thể uống nước và không có dấu hiệu nặng.
Ở giai đoạn nguy hiểm (thường là ngày 4 - 6), là giai đoạn quan trọng vì thoát huyết tương bắt đầu xảy ra, dẫn đến nguy cơ cô đặc máu và sốc, bệnh nhân có thể tiếp tục phải được bù dịch bằng đường uống. Khi có dấu hiệu thoát huyết tương, bệnh nhân cần được truyền dịch qua đường tĩnh mạch để duy trì huyết áp và tránh sốc. Tốc độ truyền dịch và lượng dịch truyền cần phải điều chỉnh chặt chẽ theo y lệnh của bác sĩ. Tránh truyền dịch quá mức vì khi thoát huyết tương dừng lại, dịch sẽ trở về mạch máu và dễ gây quá tải tuần hoàn, phù phổi cấp hoặc suy tim.
Giai đoạn hồi phục (thường là ngày 7 - 10 kể từ khi có triệu chứng bệnh), là giai đoạn thoát huyết tương ngừng lại, dịch bắt đầu trở lại lòng mạch và bệnh nhân hồi phục dần, khi đó tốc độ truyền dịch nên giảm dần hoặc có thể ngừng truyền dịch. Bệnh nhân cần được theo dõi quá tải tuần hoàn, do dịch quay trở lại mạch máu, có thể gây phù nề, tăng áp lực trong phổi hoặc thậm chí là suy tim, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi.
Bác sĩ Bảo đặc biệt lưu ý, không truyền dịch bừa bãi khi bệnh nhân không có dấu hiệu của sốc hoặc thoát huyết tương, vì nguy cơ quá tải dịch sẽ tăng cao khi bệnh nhân chuyển sang giai đoạn hồi phục.
"Bù dịch đúng cách trong điều trị sốt xuất huyết cần sự theo dõi chặt chẽ, đánh giá đúng giai đoạn bệnh, và điều chỉnh dịch truyền hợp lý để tránh biến chứng nặng nề như sốc và quá tải tuần hoàn", bác sĩ Bảo khuyến cáo.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, trong tuần qua (từ 13.12 - 20.12), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 59 trường hợp so với tuần trước đó (317 trường hợp). Bệnh nhân sốt xuất huyết ghi nhận tại 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông 44, Nam Từ Liêm 21, Cầu Giấy 20, Đống Đa 16, Hoàng Mai 15.
Cũng tuần qua đã ghi nhận 6 ổ dịch soits xuất huyết tại 4 quận, huyện (Thường Tín 3, Thanh Trì 2, Phúc Thọ 1), giảm 4 ổ dịch so với tuần trước đó (10 ổ dịch). Cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 472 ổ dịch, hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động.