Các nhà khoa học từ Đại học London (Anh) đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện nhằm tìm hiểu tác dụng kết hợp của hoạt động thể chất (đi bộ) và giấc ngủ chất lượng đối với chức năng nhận thức.
Tác giả chính Mikaela Bloomberg, nhà nghiên cứu tại Khoa Dịch tễ học và Y tế công cộng của Đại học London, cùng với nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tìm hiểu tác động của tập thể dục hằng ngày đối với đến chức năng não, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Các nghiên cứu trước đây đã nhận thấy tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện hiệu suất nhận thức, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, trong vòng 10-20 phút đầu tiên. Giờ đây, các tác giả muốn tìm hiểu xem những lợi ích này diễn ra như thế nào nếu kết hợp với giấc ngủ ngon - một yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe.
30 phút đi bộ nhanh giúp người từ 50 tuổi cải thiện trí nhớ
Nghiên cứu bao gồm 76 người tham gia trong độ tuổi từ 50 đến 83. Họ được đeo máy theo dõi hoạt động thể chất và giấc ngủ. Đồng thời, họ cũng hoàn thành các bài kiểm tra nhận thức hằng ngày để đánh giá sự chú ý, trí nhớ và tốc độ xử lý.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tập thể dục 30 phút cường độ vừa phải hoặc mạnh mẽ giúp người từ 50 tuổi cải thiện trí nhớ trong suốt 24 giờ tiếp theo, theo trang tin y tế Medical News Today.
Cô Mikaela Bloomberg giải thích: Tập thể dục vừa phải đến mạnh mẽ là bất kỳ hoạt động nào làm tăng nhịp tim, từ đi bộ nhanh, khiêu vũ hay leo vài tầng cầu thang.
Các nhà nghiên cứu giải thích sở dĩ tập thể dục làm được điều kỳ diệu này là nhờ làm tăng lưu lượng máu đến não và kích thích các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine và dopamine. Các chất này đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng nhận thức khác nhau, giúp tăng cường trí nhớ và sự nhanh nhẹn về mặt tinh thần.
Đáng chú ý, kết quả cũng cho thấy tập thể dục 30 phút mỗi ngày, kết hợp với giấc ngủ chất lượng ít nhất 6 tiếng mỗi đêm không chỉ cải thiện chức năng nhận thức mà còn có tiềm năng tăng cường sức khỏe não bộ, đặc biệt là ở người lớn tuổi, theo Medical News Today.
Điều thú vị là nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng giấc ngủ sâu (giấc ngủ sóng chậm) đóng vai trò quan trọng trong những lợi ích về trí nhớ, ngay cả khi thời lượng giấc ngủ được kiểm soát. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một đêm nghỉ ngơi ngon giấc, không chỉ về mặt phục hồi thể chất mà còn đối với sức khỏe tinh thần.
Các tác giả nghiên cứu cho biết bước tiếp đến họ sẽ tiến hành nghiên cứu ở những người bị suy giảm nhận thức. Vì đối với những người này, ngay cả một sự gia tăng nhỏ hằng ngày về chức năng nhận thức cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.