Lợi ích sức khỏe của bài tập squat rất nhiều, từ việc tăng cường sức mạnh và cải thiện độ linh hoạt đến đốt cháy calo, theo bà Aubrey Bailey, chuyên gia vật lý trị liệu tại Mỹ.
Giảm nguy cơ chấn thương
Một trong những lợi ích lớn nhất của squat là giảm nguy cơ chấn thương.
Đây là một bài tập phức hợp, tức là nó tác động đến nhiều khớp và nhóm cơ cùng lúc. Bằng cách cải thiện sức mạnh, độ linh hoạt và khả năng phối hợp, squat giúp bạn duy trì sự cân bằng tốt hơn và giảm khả năng bị ngã hay gặp chấn thương trong cuộc sống hằng ngày, theo trang sức khỏe Verywell Health.
Tăng cường sức mạnh vùng lõi
Vùng lõi, bao gồm các cơ bụng, lưng dưới và cơ mông, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định thân mình và bảo vệ cột sống.
Khi thực hiện squat đúng cách, các nhóm cơ này phải co lại để giữ cho cơ thể ở đúng vị trí. Điều này không chỉ cải thiện khả năng vận động mà còn giúp giảm nguy cơ đau lưng, một vấn đề phổ biến đối với nhiều người.
Đốt cháy calo
Vì là một bài tập phức hợp kích hoạt nhiều nhóm cơ cùng lúc, squat yêu cầu cơ thể sử dụng nhiều oxy hơn để cung cấp năng lượng cho các cơ.
Do đó, các bài tập như squat giúp bạn tiêu hao nhiều calo hơn so với các bài tập tập trung vào từng nhóm cơ riêng lẻ.
Tăng cường sức mạnh cho phần dưới cơ thể
Một lợi ích quan trọng khác của squat là tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ ở mông, đùi và chân. Những nhóm cơ này đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hằng ngày, từ việc đứng lên khỏi ghế, bước lên cầu thang đến việc nhặt đồ vật từ mặt đất.
Đối với những người lớn tuổi, squat còn giúp duy trì khả năng vận động độc lập và giảm nguy cơ té ngã.
Cải thiện độ linh hoạt
Bên cạnh đó, squat cũng giúp cải thiện độ linh hoạt và phạm vi chuyển động của các khớp ở lưng dưới, hông, đầu gối và mắt cá chân.
Độ linh hoạt này không chỉ giúp bạn thực hiện squat sâu hơn mà còn giảm nguy cơ chấn thương khi tham gia các hoạt động thể chất khác.
Lưu ý khi tập squat
Tuy nhiên, giống như bất kỳ bài tập nào khác, squat cũng có những rủi ro nếu không được thực hiện đúng cách.
Một trong những lỗi phổ biến nhất khi thực hiện squat là ngả thân mình về phía trước quá nhiều, điều này làm tăng áp lực lên các cơ lưng dưới và dễ dẫn đến chấn thương.
Việc cong lưng dưới hoặc để đầu gối vượt quá ngón chân cũng là những lỗi thường gặp, làm tăng nguy cơ đau lưng và căng thẳng ở các khớp gối.
Ngoài ra, nếu bạn ngồi quá sâu khi squat mà cơ hông chưa đủ linh hoạt, lưng dưới có thể cong và dẫn đến đau lưng.
Việc sử dụng tạ nặng khi squat cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu không biết cách kiểm soát, tạ nặng có thể gây áp lực lớn lên các khớp và cơ, làm tăng nguy cơ chấn thương.
Không phải ai cũng có thể thực hiện squat theo cùng một cách. Những người gặp vấn đề về đau lưng, đau gối hoặc viêm xương khớp cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi bắt đầu tập luyện.