Không được tiêm các vắc xin chống lại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) mới đây đã tiếp nhận và điều trị cho bé gái 4 tuổi, là con thứ ba trong gia đình có 3 con, sống tại nội thành Hà Nội. Trẻ được đưa đến cấp cứu trong tình trạng khó thở và tím tái.

Do dự, chống đối vắc xin là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu
ẢNH: TƯ LIỆU BỆNH VIỆN NHI T.Ư
Đánh giá tình trạng khi nhập viện, kết hợp với các xét nghiệm và thăm dò, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc sởi, tổn thương phổi nặng với hội chứng suy hô hấp cấp tính tiến triển, đáp ứng viêm toàn thân quá mức trong tình trạng cơn bão cytokine, cùng các tạng gan, thận và hệ thống tuần hoàn đều có biểu hiện suy sụp.
Dù ngay lập tức được các bác sĩ áp dụng các biện pháp cấp cứu và hồi sức tích cực (lọc máu, áp dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) để cứu bệnh nhi, nhưng do tình trạng quá nặng, trẻ đã không qua khỏi.
Với ca bệnh trên, tiến sĩ - bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, chuyên gia về tiêm chủng của Bệnh viện Nhi T.Ư, cho rằng điều đáng chú ý là qua khai thác tiền sử, các bác sĩ nhận thấy mặc dù đã 4 tuổi, nhưng trẻ mới chỉ được tiêm 1 liều vắc xin viêm gan ngay sau sinh và 1 mũi vắc xin BCG (phòng bệnh lao - PV) trong vài tuần sau đó.
Tất cả các vắc xin cần thiết để chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có vắc xin sởi, trẻ đều không được tiêm. Hỏi thêm về tiền sử tiêm chủng của các trẻ khác trong gia đình, đều có tình trạng tương tự. Điều này khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc chống đối vắc xin.
Hệ lụy từ chống đối, do dự vắc xin
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do dự vắc xin là tình trạng chần chừ hoặc từ chối tiêm vắc xin mặc dù vắc xin đã có sẵn. Đây là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.
Nguyên nhân phổ biến của do dự vắc xin do một bộ phận trong cộng đồng thiếu thông tin hoặc hiểu sai về vắc xin như lo lắng về an toàn, tác dụng phụ, hay chưa bị thuyết phục về hiệu quả của vắc xin; tâm lý chủ quan cho rằng bệnh truyền nhiễm hiện nay đã hiếm gặp hoặc không nguy hiểm; do ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông và mạng xã hội, từ những thông tin giả, thông tin sai lệch.
Bên cạnh đó, do dự vắc xin có thể do quan điểm để mọi thứ diễn ra theo tự nhiên; hoặc từ một vấn đề cá nhân, riêng biệt. Do dự vắc xin làm giảm tỷ lệ bao phủ vắc xin, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây quá tải cho hệ thống y tế khi dịch bệnh quay lại.
Theo WHO, với cá nhân, do dự vắc xin khiến người đó không được tiếp nhận vắc xin mà đáng ra cần phải có sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao, và nếu nhiễm bệnh sẽ có diễn biến nặng nề, điều trị khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng, nhất là khi gặp tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
Ngoài ra, trong cộng đồng có những nhóm người hoàn toàn bác bỏ vắc xin (chống đối vắc xin) và tích cực tuyên truyền chống vắc xin, thường dựa trên những thông tin sai lệch.
Theo chuyên gia của Bệnh viện Nhi T.Ư, cần xem xét đưa vấn đề do dự và chống đối vắc xin như một vấn đề sao nhãng với sức khỏe và quyền của trẻ em.