Chọn ngành nghề thời AI: Cần những kỹ năng nào?

Cần để AI đóng cả 3 vai trò...

Ông Huỳnh Xuân Tùng, người sáng lập AI Pencil Lab (TP.HCM), cho rằng trong thời đại AI phát triển mạnh mẽ, người trẻ đứng trước nghịch lý lớn về sự tồn tại nghề nghiệp. Một bên là hứng khởi khám phá công nghệ, bên còn lại là nỗi sợ bị chính công nghệ đào thải. Người trẻ vừa khát vọng làm chủ AI, vừa bất an rằng chính công nghệ ấy sẽ thay thế giá trị của họ.

Chọn ngành nghề thời AI: Cần những kỹ năng nào?- Ảnh 1.

Người trẻ cần phát triển kỹ năng công nghệ

ẢNH: THANH NAM

Chọn ngành nghề thời AI: Cần những kỹ năng nào?- Ảnh 2.

"Đây là cuộc đối thoại để con người tìm ra giới hạn và vị thế thật sự của mình. Trong cuộc đối thoại đó, AI đóng cả 3 vai trò: người thầy, học trò và bạn đồng hành", ông Tùng nói.

Ông Tùng giải thích để kiểm soát AI như một "học trò", người trẻ cần phát triển kỹ năng công nghệ. Đặc biệt là khả năng sử dụng và tương tác thông minh với AI. Họ cần học cách giao tiếp rõ ràng, chi tiết giống như cách người thầy hướng dẫn học trò từng bước nhỏ. Tiếp theo, AI lại là "thầy" của người trẻ về kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo, buộc họ phải liên tục đặt câu hỏi để kiểm chứng thông tin, thúc đẩy tư duy xã hội và tư duy nhân văn của bản thân. Và AI là bạn đồng hành không thể thiếu để nâng cấp kỹ năng mềm. Kỹ năng giao tiếp, kết nối cảm xúc, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, quản lý bản thân và quản lý thời gian, đều cần sự tương tác giữa người với người, thứ AI chưa thể đáp ứng hoàn toàn.

Ông Tùng nói: "Chỉ khi người trẻ nhận thức rõ AI vừa là học trò mình cần dẫn dắt, là người thầy cung cấp dữ liệu thúc đẩy tư duy, cũng vừa là bạn đồng hành hỗ trợ công việc mỗi ngày, khi ấy họ mới thật sự tìm ra cách thức để không chỉ tồn tại, mà còn phát triển bền vững giữa thời đại nhiều biến động".

Theo người sáng lập AI Pencil Lab, trước dòng chảy AI mạnh mẽ, những người trẻ (đặc biệt trong các ngành sáng tạo, marketing, truyền thông) đang đứng trước nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy lệ thuộc công nghệ. Sự dễ dàng mà AI đem đến vô tình biến thành một cái bẫy: Dùng AI mãi rồi một ngày, liệu còn đủ tự tin, đủ sắc bén để tự làm chủ công việc mà không cần nó nữa không?

"Thay vì chỉ lo lắng hay phụ thuộc vào AI, người trẻ cần tỉnh táo xây dựng tư duy và kỹ năng mới. Đầu tiên, hãy xây dựng tư duy chất vấn dữ liệu. Một trong những rủi ro lớn nhất khi sử dụng AI là mất khả năng nhận diện đúng, sai. Lời khuyên của tôi là không bao giờ được dùng trực tiếp nội dung AI trả về mà không qua "bộ lọc" cá nhân. Phải luôn đặt câu hỏi ngược lại như dữ liệu này AI cung cấp đã đủ sâu sắc chưa?...", ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, người trẻ cần trang bị kỹ năng ứng biến linh hoạt với AI vì AI ngày càng phổ biến, kéo theo sự bão hòa về chất lượng nội dung. Ai cũng có thể viết tốt nhờ AI, nhưng ai linh hoạt điều chỉnh nhanh, tối ưu kết quả nhanh, người đó sẽ dẫn đầu. Muốn như vậy, cần phát triển khả năng chuyển đổi nhanh chóng giữa các yêu cầu khác nhau, luôn linh hoạt, luôn chủ động nâng cấp…

Những nhóm kỹ năng không thể thiếu

Theo ông Hồ Phạm Minh Nhật, Giáo sư bậc 1 của ĐH Texas - Austin (Mỹ), thành viên Viện Khoa học về nền tảng học máy và trí tuệ nhân tạo tại Austin (bang Texas), thời gian qua, có một xu hướng tất yếu trên toàn cầu là ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực và điều dễ thấy là hiệu suất lao động tăng lên đáng kể.

Chọn ngành nghề thời AI: Cần những kỹ năng nào?- Ảnh 3.

Kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm... luôn cần thiết với học sinh, sinh viên

ẢNH: THANH NAM

"Tuy nhiên, phải khẳng định AI chỉ hỗ trợ cho hoạt động của con người chứ không thay thế con người một cách hoàn toàn. AI hỗ trợ làm việc hiệu quả hơn. Và trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, AI "phủ sóng" như thế, người trẻ bắt buộc phải trang bị những kỹ năng cần thiết", ông Nhật nói.

"Dù chọn ngành nghề nào đi chăng nữa, học sinh cũng cần không ngừng học hỏi để thích nghi với sự thay đổi. Cần trau dồi học tập, đồng thời liên tục cập nhật kiến thức về AI và các công nghệ mới. Không những vậy, phải nâng cao kỹ năng mềm, là những kỹ năng mà AI không thể có được như con người. Đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, đàm phán, giao tiếp xã hội...", ông Nhật khuyên.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ LPC (TP.HCM), chia sẻ: "Học sinh THPT đang đứng trước sự lựa chọn ngành nghề đừng phân tâm khi cho rằng cơ hội việc làm sẽ bị AI cạnh tranh gay gắt. Cũng đừng quá lo lắng dự định mình hướng đến sẽ trở nên lỗi thời, tụt hậu, bị AI "nuốt chửng". Cần hiểu là AI sẽ không thay thế lực lượng lao động cả bây giờ lẫn trong tương lai. Dù học ngành nghề nào cũng có cơ hội tìm được việc làm nếu như có kỹ năng sử dụng công cụ AI. Đây là một kỹ năng thiết yếu, thật sự quan trọng. Hiện nay, rất nhiều công ty khi tuyển ứng viên, họ không ưu tiên, thậm chí không cần những người có bằng xuất sắc mà chỉ làm những công việc mà AI có thể đảm trách được. Thay vào đó, các công ty có xu hướng chuộng và thật sự rất cần nguồn nhân lực biết ứng dụng AI để làm việc".

Thị trường lao động cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, thị trường lao động hiện nay đang có nhiều chuyển biến. Và thị trường lao động trong giai đoạn sắp tới sẽ có sự thay đổi chất lượng cơ cấu ngành nghề, kết hợp, lồng ghép hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp cơ cấu công nghệ số.

"Trong nhiều năm tới, thị trường lao động cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Giai đoạn từ nay đến năm 2035, xu hướng tuyển dụng các ngành nghề liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác. Vì vậy, nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động", ông Tuấn nói.

Theo ông, VN trong bối cảnh đang chuyển đổi phát triển kinh tế - xã hội, và trong kỷ nguyên AI, sự sáng tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng. Tuy AI có khả năng xử lý dữ liệu, tự động hóa nhiều nhiệm vụ, nhưng khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và tương tác xã hội vẫn là những lĩnh vực mà con người giữ vai trò chủ chốt. Vì vậy, học sinh nên chọn ngành nghề mà bản thân cảm thấy yêu thích, phù hợp nhất. Sau đó, cần có khả năng thích nghi, học hỏi, ứng dụng công nghệ, rèn luyện tư duy sáng tạo, am hiểu ngoại ngữ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật tốt trong làm việc… thì sẽ có nhiều cơ hội.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao