Chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan là mệnh lệnh

Chiều 28.3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp và thực hiện Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm.

 - Ảnh 1.

Một trong những giải pháp mạnh để ngăn ngừa tình trạng dạy thêm, học thêm tiêu cực là thay đổi khâu kiểm tra đánh giá

ẢNH: NHẬT THỊNH

KHÔNG ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết từ khi Thông tư 29 có hiệu lực, số trung tâm có chức năng dạy thêm tăng rất nhiều, ước tính có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh có liên quan đến dạy thêm được thành lập. Đâu đó, mức thu phí học thêm có phần cao hơn rất nhiều so với trước đây, dù là tự nguyện. Theo ông Cương, số trung tâm dạy thêm tăng nhanh cũng gây áp lực lên công tác kiểm tra, thanh tra trong khi nguồn nhân lực cho công tác này không tăng.

Ông Cương thông tin thời gian qua Hà Nội đã thành lập hơn 100 đoàn để triển khai giám sát việc thực hiện Thông tư 29; phát động tháng tự học, mở hòm thư góp ý, đường dây nóng tại các quận huyện để tiếp nhận, xử lý các trường hợp vi phạm; học sinh (HS) thành lập các nhóm tự học… "Tính tự chủ, tự học tăng lên, trả lại khung trời tuổi thơ cho các em, thông tư cũng lấy lại danh dự cho giáo viên (GV), giúp các trường chủ động triển khai kế hoạch giáo dục năm học", ông Cương nói.

Nêu khó khăn khi Thông tư 29 chưa quy định chế tài xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm, ông Cương kiến nghị Bộ cần có hướng dẫn để cơ sở có căn cứ thực hiện.

Tương tự, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết số lượng đơn vị dạy thêm, học thêm ở hộ kinh doanh cá thể là hơn 10.000, TP băn khoăn lo lắng làm thế nào để kiểm soát an toàn, phòng chống cháy nổ ở những lớp dạy thêm hộ gia đình… Theo ông Quốc, TP.HCM hiện đã triển khai phần mềm quản lý dạy thêm, học thêm, góp phần quản lý việc này thuận lợi hơn.

Xung quanh vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nêu rõ Thông tư 29 không thể hướng dẫn về tiêu chuẩn của các trung tâm dạy thêm vì đây chưa phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được đưa vào luật.

Để tăng cường quản lý, ông Thưởng nói sắp tới Bộ sẽ có kênh tiếp nhận phản ánh liên quan đến dạy thêm, học thêm. "Chúng tôi cũng nhận được phản ánh những biến tướng của dạy thêm. Bộ chuyển về các sở để xác minh, xử lý và nếu không xử lý chúng tôi sẽ về làm việc với sở đó. Tinh thần "không đánh trống bỏ dùi", làm cương quyết, làm thường xuyên. Theo báo cáo, Bắc Giang đã kỷ luật một GV vi phạm dạy thêm, chúng tôi không mong muốn điều đó xảy ra nhưng vi phạm phải xử lý nghiêm", ông Thưởng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị mỗi GV cần có tự tôn, tự trọng nghề nghiệp, kiên quyết không tham gia dạy thêm ở những nơi chưa được cấp phép, không đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất, khuyến cáo HS của mình không tham gia học thêm tại đó.

 - Ảnh 2.

Hình thành khả năng tự học cho học sinh là giải pháp giảm dạy thêm, học thêm tràn lan

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

KHÔNG NÊN ĐỂ GIÁO VIÊN RA ĐỀ KIỂM TRA HỌC SINH CỦA MÌNH

Nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT cho rằng một trong những giải pháp mạnh để ngăn ngừa tình trạng GV tìm mọi cách để HS buộc phải đi học thêm là thay đổi khâu kiểm tra đánh giá.

Nêu thực trạng vẫn có thầy cô dùng điểm số để yêu cầu HS tham gia học thêm ở một số nơi, ông Nguyễn Bảo Quốc góp ý: Để Thông tư 29 thực hiện được một cách toàn diện thì Bộ cần xem xét lại Thông tư 22 về kiểm tra, đánh giá HS. Nên chăng kiểm tra đánh giá học kỳ theo hướng tập trung, đề thi chung và được xây dựng theo ngân hàng đề. Ngoài ra, có thể sử dụng các tổ chức đánh giá, khảo thí độc lập để kiểm tra, giám sát việc dạy học của thầy cô có đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình hay không. Tránh giao cho từng trường ra đề kiểm tra, đánh giá như hiện nay vì phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của từng GV, từng nhà trường.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Huế, cũng cho rằng không nên để GV ra đề kiểm tra chính HS của mình, khắc phục tình trạng GV chèn ép HS vì lý do cá nhân, trong đó có việc "ép" học thêm. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm hình thành ngân hàng đề để có thể xây dựng đề kiểm tra từ ngân hàng đó. TP.Huế đã áp dụng 3 năm nay với đề kiểm tra định kỳ, ra đề chung.

Cũng theo ông Tân, để không gây áp lực dạy thêm, học thêm, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng không ra quá khó, không đánh đố, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Kết quả của kỳ thi lấy điểm từ trên cao xuống nên vẫn tuyển sinh được mà không gây căng thẳng cho HS.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, nhìn nhận tình trạng GV ra đề kiểm tra định kỳ và đem nội dung đó cho HS học trước ở các lớp học thêm sẽ không còn nếu thực hiện nghiêm quy định GV không dạy thêm HS của mình ở ngoài nhà trường (có thu tiền) tại Thông tư 29.

Xung quanh đề xuất này, ông Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tinh thần là Bộ GD-ĐT khuyến khích ra đề chung trong kỳ kiểm tra học kỳ nhưng các địa phương phải đảm bảo nguyên tắc giảm áp lực, tốn kém. Kiểm tra không gây áp lực để HS học thêm tràn lan, GV không dạy thêm tràn lan; cách thức ra đề phù hợp, ra đề chung để tránh tình trạng cô tự đánh giá trò, "con hát mẹ khen hay".

TRẢ LẠI GIÁ TRỊ CỐT LÕI, NHÂN VĂN CỦA GIÁO DỤC

Ông Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh việc thực hiện Thông tư 29 phải được hiểu đúng và thống nhất trong hành động, tuyệt đối không ảnh hưởng đến công tác dạy học, tổ chức thi tuyển sinh đầu cấp; tuyệt đối không buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo bất cứ vì lý do gì.

Nhắc lại phát biểu của một giám đốc sở GD-ĐT mong mỏi chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan mấy chục năm nay, ông Thưởng nêu quyết tâm của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện Thông tư 29, trả lại giá trị cốt lõi, nhân văn của giáo dục. Bộ đã có nhiều dự lệnh để thực hiện giải pháp giảm áp lực dạy thêm, trong đó việc xét tốt nghiệp THPT sử dụng tới 50% xét kết quả quá trình học, 70% đề thi của kỳ thi này xây dựng ở mức nhận biết, thông hiểu để không gây khó cho HS.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn theo tinh thần, trách nhiệm của địa phương. "Chấm dứt dạy thêm, học thêm không còn là dự lệnh nữa, mà phải trở thành mệnh lệnh của toàn ngành chúng ta", ông Thưởng nhấn mạnh và chỉ ra đó là mệnh lệnh về tinh thần trách nhiệm, mệnh lệnh vì chất lượng HS, mệnh lệnh để giáo dục HS phát triển toàn diện, mệnh lệnh thực hiện theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý vốn có, trả lại tuổi thơ cho HS.

Ông Thưởng cũng nhìn nhận đây là việc làm với rất nhiều khó khăn. "Nhưng chúng tôi đề nghị đây phải là mệnh lệnh. Dạy thêm, học thêm tràn lan đã chạm đến lằn ranh đỏ, chúng ta phải quyết tâm, đồng tâm, đồng sức, đồng lòng như vậy. Chúng ta quyết tâm, nghiêm khắc với những vi phạm, không buông lỏng, không thỏa hiệp", ông Thưởng nhấn mạnh.

Theo ông Thưởng, một thông tư chưa thể giải quyết tất cả vấn đề mà cần các giải pháp về chuyên môn, trong đó có việc tăng số lượng trường lớp, giảm sĩ số HS, giảm chênh lệch về chất lượng giữa các nhà trường; đổi mới kiểm tra đánh giá, ra đề thi phù hợp, hình thành khả năng tự học cho HS. Tuy nhiên, ông lưu ý: "Tự học không có nghĩa là bỏ mặc các em mà tự học có hướng dẫn của GV. Chúng ta xây thư viện, cơ sở vật chất có thể tổ chức buổi 2 để làm gì?".

Đề cập một số băn khoăn, vướng mắc về kinh phí hỗ trợ GV dạy thêm tại trường khi không thu tiền của HS, ông Thưởng cho rằng việc hỗ trợ kinh phí là để nâng cao chất lượng giáo dục chứ không phải hỗ trợ dạy thêm. Tuy nhiên, việc này không thể đưa vào quy định vì tùy từng địa phương sẽ cân đối ngân sách của địa phương mình.

Sẽ thay đổi hướng dẫn học 2 buổi/ngày

Nhiều ý kiến của các sở GD-ĐT kiến nghị Bộ cần có chỉ đạo cụ thể về dạy học 2 buổi/ngày để có sự chỉ đạo thống nhất, thực hiện có hiệu quả Thông tư 29, Bộ GD-ĐT phản hồi: Một trong những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Thông tư 29 là việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, chưa khai thác và sử dụng hết hiệu suất về cơ sở vật chất và định biên GV được giao cho nhà trường để thực hiện các nội dung dạy học chính khóa, chưa khai thác hết nguồn lực để dạy học theo nhu cầu người học theo quy định.

Bên cạnh đó, công văn hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cần phải thay đổi điều chỉnh.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với quy định dạy thêm, học thêm với tiểu học. Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong thời gian sớm, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn, giải đáp rõ hơn về việc này để thống nhất trong thực hiện.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao