Công nghệ phát triển, giờ chỉ dạy học mỗi bài 5 phút, được không?

Công nghệ phát triển, giờ chỉ dạy học mỗi bài 5 phút, được không? - Ảnh 1.

GS-TS Raymond Lee, Phó trưởng khoa Công nghệ ĐH Portsmouth (Anh) kiêm đồng chủ tịch Mạng lưới giáo dục ĐH Anh - Việt, chia sẻ về phương pháp sư phạm mới trong thời đại kỹ thuật số

ẢNH: BC

Để việc học không chỉ diễn ra trong nhà trường

Sáng 28.3, trong khuôn khổ Tuần lễ công nghệ Anh tại Đông Nam Á do Chính phủ Anh tổ chức, GS-TS Raymond Lee, Phó trưởng khoa Công nghệ ĐH Portsmouth (Anh) kiêm đồng chủ tịch Mạng lưới giáo dục ĐH Anh - Việt, đã chia sẻ về dự án liên quan đến micro mobile learning (tạm dịch: học tập vi mô trên điện thoại). Đây là dự án được triển khai bởi học giả đến từ ĐH Portsmouth, ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo GS Lee, đại dịch Covid-19 vừa qua đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhất là khi các trường đều phải dạy trực tuyến. Tuy vậy, có một thực tế không thể bỏ qua là nhiều thầy cô chỉ tải học liệu lên mạng là xong, khiến vị chuyên gia "không chắc liệu có một quá trình học tập diễn ra giữa đội ngũ giảng viên và sinh viên hay không". Đó cũng là động lực khiến ông đi tìm một phương pháp sư phạm mới là học tập vi mô trên điện thoại.

"Khả năng tập trung của chúng ta đang rất ngắn, và thói quen hiện nay của nhiều người sẽ là tua nhanh mọi thứ để tìm thứ mình muốn, không bao giờ xem hết một video quá 15 phút nói chi là những bài giảng kéo dài cả tiếng. Đó cũng là lý do chúng tôi nghiên cứu, thiết kế các bài giảng theo hướng siêu ngắn kéo dài tối đa 5 phút, với rất nhiều hoạt động tương tác để đảm bảo sinh viên thực sự tham gia vào quá trình học", GS Lee phân tích.

Vì sao lại triển khai bài giảng trên điện thoại? Theo nam chuyên gia, đó là do hầu hết những sinh viên tham gia khảo sát đều trả lời không thường dùng máy tính mà thay vào đó là điện thoại di động. Do đó, việc dạy học tương thích với thiết bị này giúp các bạn có thể học mọi lúc và mọi nơi. "Quan trọng là hãy để việc học tập ở thời đại kỹ thuật số không chỉ diễn ra trong lớp học mà còn ở bên ngoài lớp học", GS Lee nhấn mạnh.

Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện, GS-TS Raymond Lee cho biết nhóm của ông đang tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá phương pháp học tập vi mô trên điện thoại có thực sự hiệu quả hay không. Ngoài ra để kiểm tra kiến thức của sinh viên sau khi học xong, các bài giảng 5 phút cũng tích hợp các câu hỏi trắc nghiệm yêu cầu người học trả lời. Nếu chọn sai đáp án, hệ thống sẽ lập tức thông báo và lý giải vì sao.

Hiện nhóm nghiên cứu về phương pháp học tập vi mô trên điện thoại của GS Lee đã ra mắt trang web cùng tên với nhiều bài giảng 5 phút về lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI). "Chúng ta phải chấp nhận AI trong giảng dạy, học tập trong thời đại này, và điều nên làm là dạy các bạn học sinh, sinh viên kiến thức về AI (AI literacy) để dùng AI hiệu quả, có đạo đức và trách nhiệm", GS Lee chia sẻ.

Công nghệ phát triển, giờ chỉ dạy học mỗi bài 5 phút, được không? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Jane O'Connor, phó giáo sư khoa Y tế, giáo dục và khoa học sự sống, Trung tâm Nghiên cứu thực hành và văn hóa trong giáo dục tại ĐH Birmingham City (Anh), trình bày kết quả đạt được của một trong ba dự án chuyển đổi số trong giáo dục giữa Anh và Việt Nam

ẢNH: BC

Khuyến nghị để thúc đẩy chuyển đổi số

Chia sẻ tại sự kiện, tiến sĩ Jane O'Connor, phó giáo sư khoa Y tế, giáo dục và khoa học sự sống, Trung tâm Nghiên cứu thực hành và văn hóa trong giáo dục tại ĐH Birmingham City (Anh), nhìn nhận chuyển đổi số có tiềm năng thay đổi mọi thứ trong giáo dục, từ giúp giáo dục trở nên công bằng hơn, giúp bài giảng thu hút người học hơn, tới giúp giáo viên ở mọi nơi có thể kết nối với nhau và với tài nguyên giảng dạy trên toàn cầu.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Jane O'Connor khuyến nghị rằng ở cấp chính phủ, có thể xây dựng một chương trình đào tạo quốc gia về năng lực kỹ thuật số và cấp chứng nhận hay chứng chỉ vi mô cho giảng viên, nhân viên học thuật ở các trường ĐH, giúp nhóm này có động lực phát triển chuyên môn. Thêm vào đó, lãnh đạo các trường cũng nên thúc đẩy văn hóa chuyển đổi số và có cơ chế ghi nhận, khen thưởng.

Cũng ở cấp đơn vị giáo dục, mỗi giáo viên và giảng viên "phải có can đảm bắt đầu sử dụng các công cụ, phương pháp sư phạm kỹ thuật số", vị chuyên gia nói. "Quan trọng nhất là sự hợp tác bởi đây không phải là một cuộc cạnh tranh hay một cuộc đua mà là cuộc hành trình nơi các bên cùng nhau thực hiện, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số thành công", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Sự kiện cũng đánh dấu mốc kết thúc 3 dự án hợp tác chuyển đổi số giữa các trường ĐH ở Việt Nam và Anh. Đó là dự án liên doanh chuyển đổi số và phát triển mạng lưới công nghệ số cho các trường ĐH tại Việt Nam; dự án hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong đào tạo giáo viên tại Việt Nam; dự án chuyển đổi số thành công trong các trường ĐH Việt Nam. Đây là các dự án đã được triển khai từ năm 2022 đến nay.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc Chương trình giáo dục ở Hội đồng Anh, cho biết các dự án nêu trên đều được chương trình Hợp tác đối tác toàn cầu (GPP) tài trợ với tổng ngân sách là 257.263 bảng Anh (8,5 tỉ đồng). Đây là một chương trình của Hội đồng Anh, triển khai từ 2021 và đóng vai trò cầu nối cho giáo dục ĐH hai nước, hỗ trợ các mục tiêu chiến lược, giúp trường Việt thăng hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu...

Công nghệ phát triển, giờ chỉ dạy học mỗi bài 5 phút, được không? - Ảnh 3.

Bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc Chương trình giáo dục ở Hội đồng Anh

ẢNH: BC

"Xuyên suốt các hoạt động, chúng tôi cũng khuyến khích thực hành đa dạng, công bằng và bao trùm (DEI) trong giáo dục. Đó là lý do chúng tôi không chỉ tập trung vào các trung tâm giáo dục của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM mà còn mở rộng ra ở các khu vực khác nhau", bà Vân Anh chia sẻ. "Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp và giúp chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển khoa học, kỹ thuật... như xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các nhóm nghiên cứu và hợp tác với mạng lưới học giả Việt Nam tại Anh".

Còn bà Alex Smith, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, chia sẻ thêm rằng Anh đã hợp tác cùng Bộ GD-ĐT Việt Nam và các trường ĐH Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số trong giáo dục ĐH từ sau Covid-19. Theo bà Smith, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, và "Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục của Việt Nam thông qua làn sóng thông tin và định hình các thế hệ tương lai của Việt Nam".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao