Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang trẻ hóa, chú ý các dấu hiệu sau; 4 chất dinh dưỡng ngoài protein giúp phát triển cơ bắp; Tại sao một số người chóng mặt sau khi ăn?...
Bác sĩ dặn trái cây tốt nhưng tránh ăn lúc này vì có thể hại gan
Nhiều người áp dụng chế độ ăn toàn trái cây để giảm cân hoặc giải độc. Tuy nhiên, có một thời điểm ăn trái cây sẽ dẫn đến các bệnh về gan, vì lượng lớn fructose từ trái cây sẽ đến gan và tạo thành chất béo, gây gan nhiễm mỡ.
Ăn trái cây là một trong những cách tốt nhất để duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Tuy nhiên, nếu ăn trái cây ngay từ sáng sớm, bạn có thể gặp một chút rắc rối. Theo các chuyên gia, những loại thực phẩm ngon ngọt này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là gan.
Ăn trái cây ngay từ sáng sớm có thể ảnh hưởng không tốt đến gan, vì lượng lớn fructose từ trái cây sẽ đến gan và tạo thành chất béo, gây gan nhiễm mỡ.
Tiến sĩ Alok Chopra, bác sĩ tim mạch, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe Daivam Wellness (Ấn Độ), cho biết: Vấn đề là fructose (có trong trái cây) - còn gọi là đường trái cây, không thể chuyển hóa được, nghĩa là không thể phân hủy thành các phần tử nhỏ hơn. Ngoài ra, fructose không thể đi vào máu, mà đi thẳng vào gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Tiến sĩ Chopra cũng khuyến cáo không nên áp dụng chế độ ăn toàn trái cây trong thời gian dài. Bởi dần dần sẽ phát triển tình trạng gan nhiễm mỡ, có thể dẫn đến xơ gan, đặc biệt là nếu ăn thực phẩm có nhiều fructose. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 29.12.
4 chất dinh dưỡng ngoài protein giúp phát triển cơ bắp
Khi nghĩ đến việc tăng khối lượng cơ, điều đầu tiên nhiều người hay nghĩ là kết hợp tập luyện cường độ cao và nạp nhiều protein. Nhưng trên thực tế, để cơ bắp phát triển tốt thì ngoài protein, cơ thể cũng cần nhiều dưỡng chất khác.
Protein được xem là dưỡng chất chính giúp phát triển khối lượng cơ. Điều này có cơ sở vì protein chứa các a xít amin quan trọng mà cơ bắp cần để phát triển. Một người tập gym cần nạp khoảng 25 đến 30 gram protein trong mỗi bữa ăn.
Bên cạnh protein, để cơ bắp phát triển thì cũng cần những dưỡng chất sau:
Tinh bột. Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, đặc biệt là trong quá trình tập luyện. Khi được cơ thể hấp thụ, tinh bột sẽ được chuyển hóa thành glycogen và dự trữ trong cơ bắp. Sau buổi tập, tinh bột cũng hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển cơ bắp, đặc biệt là khi kết hợp với protein.
Để đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng, mọi người nên ăn một ít tinh bột vào khoảng 1 giờ trước buổi tập. Sau buổi tập, hãy ăn cả tinh bột và protein để cơ bắp có thể hồi phục và phát triển tối ưu. Loại tinh bột mọi người nên ăn là tinh bột phức tạp như khoai, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt hay đậu, đồng thời hạn chế tinh bột trắng.
A xít béo omega-3. A xít béo omega-3 là dưỡng chất quan trọng giúp duy trì cơ bắp khỏe mạnh, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc có khả năng vận động kém. Loại a xít béo này giúp tăng cường khả năng sử dụng các dưỡng chất khác của cơ thể, chẳng hạn như insulin và axit amin. Nhờ đó, tình trạng suy giảm cơ sẽ được hạn chế và kích thích quá trình phát triển mô cơ mới.
Mọi người có thể bổ sung a xít béo omega-3 bằng cách bổ sung cá hồi, cá ngừ, cá trích, hạt chia, hạt lanh hay óc chó vào chế độ ăn. Dùng thực phẩm bổ sung cũng là cách bổ sung a xít béo omega-3. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 29.12.
Tại sao một số người chóng mặt sau khi ăn?
Nhiều người từng trải qua cảm giác chóng mặt, hoa mắt sau khi dùng bữa. Đây là hiện tượng khá phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt sau khi ăn.
Tụt huyết áp. Một nghiên cứu trên tạp chí Annals of Internal Medicine cho biết tụt huyết áp sau ăn là sự giảm huyết áp tâm thu 20 mmHg trở lên.
Nguyên nhân do cơ thể chuyển một lượng lớn máu đến hệ tiêu hóa để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi đó, lượng máu cung cấp lên não sẽ giảm đi, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, thậm chí là ngất xỉu.
Mất cân bằng đường huyết. Ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc tinh bột trong một bữa có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt rồi giảm nhanh. Sự thay đổi đột ngột này khiến nhiều người cảm thấy chóng mặt, đặc biệt là những người bị tiểu đường hoặc kháng insulin.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, khi lượng đường giảm quá thấp, cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động bình thường, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi và thậm chí là lú lẫn. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!