Khai thác bệnh sử ghi nhận, ngay trong giai đoạn mang thai, người mẹ có khám thai tại địa phương, phát hiện có bất thường hệ tiết niệu trên vùng thận, có tình trạng ứ nước nghi ngờ thận đôi nhưng không ghi nhận bất thường vùng niệu quản dưới vùng bàng quang. Bé sanh thường, đủ tháng, tuy nhiên người nhà ghi nhận từ sau sanh bé có những đợt khó khăn khi tiểu, đang tiểu bình thường thì bị ngắt quãng, nước tiểu có những lần màu sắc đục. Trong lần khám này, nước tiểu đục như nước vo gạo có những sợi mủ xanh nhỏ theo ra, bé sốt cao, bỏ bú. Bé được nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vì tình trạng nhiễm trùng tiểu cao.
Ngày 16.1, tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết sau khi tiếp nhận, bé được các bác sĩ hồi sức và điều trị tích cực. Bên cạnh đó, bé được thăm khám tầm soát phát hiện dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu, thận niệu quản đôi gây ứ nước thận, đặc biệt bé có khối sa niệu quản khổng lồ chiếm gần trọn trong lòng bàng quang. Đây chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn thận niệu quản ứ nước nhiễm trùng tiểu cũng như việc gây ra khó khăn trong quá trình đi tiểu của bé.
Lần đầu nội soi trên xương mu
Ngay khi tình trạng nhiễm trùng tiểu tương đối ổn định, bệnh nhi được ê kíp tiết niệu nội soi niệu đạo bàng quang để xử trí tắc nghẽn niệu quản do túi sa. Tuy nhiên, với cách tiếp cận truyền thống chỉ qua kênh niệu đạo, các bác sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn khi xử lý tắc nghẽn. Đặc biệt là với khối túi sa khổng lồ luôn di động, ngoài ra có thể không còn nhiều khoảng trống để thao tác trong bàng quang, tiềm ẩn nguy cơ phạm sai lầm như làm tổn thương thành niệu quản, bàng quang.
"Để giải quyết vấn đề này, bệnh viện đã triển khai một kỹ thuật mới, đó là sau khi nội soi vào bàng quang qua niệu đạo, xác định được vị trí nang niệu quản trong lòng bàng quang, một kim luồn nhỏ được đưa qua da trên xương mu vào trong lòng bàng quang. Thông qua kim luồn, một kẹp rất nhỏ được đưa vào bàng quang để giữ cố định thành trước nang niệu quản, điều này giúp xác định chính xác tổn thương và giữ chặt được nang niệu quản giúp việc xẻ nang dễ dàng hơn rất nhiều", bác sĩ Thạch chia sẻ.
Phương pháp mới này có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp truyền thống. Bởi thành trước nang luôn được giữ căng, cố định, tách rời với thành sau của nang, giúp xẻ được chính xác vào các vị trí mong muốn trên thành nang, tránh xẻ vào các mạch máu, tránh tổn thương thành sau của nang. Trong khi đó, ở phương pháp truyền thống, bác sĩ chỉ sử dụng dao nhỏ từ ống soi niệu đạo xẻ trực tiếp vào nang không có dụng cụ kẹp nang hỗ trợ.
Sau khi thực hiện xong, bệnh nhi được đặt lưu thông tiểu để theo dõi, tình trạng nhiễm trùng được cải thiện rõ rệt, chức năng thận bình thường. Bé được xuất viện sau phẫu thuật 5 ngày, bú tốt, không sẹo mổ.
Nang niệu quản nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng trên thận
Bác sĩ Thạch cho biết, mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 12-15 trường hợp nang niệu quản. Nang niệu quản thường đi kèm với bất thường bẩm sinh là thận - niệu quản đôi. Bệnh biểu hiện là tình trạng giãn lớn thành nang của đoạn niệu quản cắm vào bàng quang. Nang niệu quản nếu không được phát hiện và điều trị về lâu dài sẽ gây ra các biến chứng trên thận và hệ niệu như nhiễm trùng tiết niệu tái phát, sỏi niệu quản, sẹo xơ thận dẫn đến suy giảm chức năng thận.
Phương pháp dùng kim luồn nhỏ trên xương mu điều trị hiện chỉ có triển khai duy nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là một cải tiến mang tính đột phá trong các trường hợp nặng, nang to. Phương pháp điều trị rất hiệu quả, nhẹ nhàng và ít xâm lấn nhất.