Sốt chuột cắn là tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.
Sốt chuột cắn là một căn bệnh hiếm gặp, không chỉ bắt nguồn từ vết cắn hay vết cào mà còn có thể lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc với nước bọt, phân hoặc nước tiểu của chuột bị nhiễm bệnh.
Ngay cả những con chuột nuôi làm thú cưng cũng có thể mang vi khuẩn nguy hiểm trong miệng, theo trang sức khỏe Verywell Health.
Bên cạnh đó, việc ăn uống thực phẩm hoặc nước bị nhiễm phân chuột cũng là con đường lây lan phổ biến.
Ông Rod Brouhard, chuyên gia y tế tại Mỹ, đã chia sẻ những kiến thức cần biết về vấn đề này.
Các bước sơ cứu khi bị chuột cắn
Sau khi bị chuột cắn, bạn cần cầm máu vết thương, sau đó rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước ấm. Chúng ta phải đảm bảo làm sạch vết thương cả bên trong để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
Sau đó, bạn nên băng vết thương bằng gạc sạch và có thể thoa thêm thuốc ngăn ngừa nhiễm trùng.
Trong trường hợp vết thương ở ngón tay, hãy tháo bỏ tất cả các loại nhẫn để tránh tình trạng sưng và khó tháo về sau.
Triệu chứng đầu tiên của sốt chuột cắn
Những triệu chứng đầu tiên của sốt chuột cắn thường xuất hiện từ 3 đến 10 ngày sau khi bị cắn.
Người bị nhiễm bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, đỏ và sưng xung quanh vết thương, nóng rát, chảy mủ, đau hoặc sưng khớp.
Đôi khi, các triệu chứng này còn đi kèm với phát ban ở tay và chân, thường xuất hiện sau khi sốt 2 đến 4 ngày.
Các loại sốt chuột cắn
Có 2 loại vi khuẩn chính gây ra sốt chuột cắn: Streptobacillus moniliformis (thường ở Mỹ) và Spirillum minus (thường ở châu Á).
Những người nhiễm vi khuẩn Streptobacillus moniliformis có các triệu chứng như sốt, đau đầu, nôn mửa, đau ở lưng và khớp, kèm theo phát ban ở tay và chân. Đôi khi, nhiễm trùng còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng như áp xe, viêm gan, viêm màng não, viêm phổi hoặc viêm thận. Theo thống kê, khoảng 10% người mắc nhiễm trùng này có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Trong khi đó, sốt chuột cắn do Spirillum minus thường có các triệu chứng xuất hiện sau 1 đến 3 tuần. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt tái đi tái lại, kích ứng, sưng tại vết cắn và phát ban màu tím hoặc đỏ. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan sang các cơ quan nội tạng như tim, não hoặc phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài sốt chuột cắn, một biến thể khác là sốt Haverhill, xảy ra khi ăn uống thực phẩm hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn từ chuột. Tình trạng này thường đi kèm với các triệu chứng như nôn mửa và đau họng.
Cách phòng ngừa
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, phòng ngừa sốt chuột cắn không chỉ dựa vào việc tránh tiếp xúc trực tiếp với chuột. Cần giữ môi trường sống sạch sẽ, không để thức ăn hoặc nước uống tiếp xúc với chuột hoặc phân chuột.
Nếu bạn nuôi chuột làm thú cưng, hãy luôn tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh an toàn, thường xuyên làm sạch chuồng và rửa tay sau khi tiếp xúc với chúng.