Giật mình nửa đêm khi ngủ và sau đó khó ngủ lại sẽ gây ra một số tác hại tiêu cực đến sức khỏe. Cơ thể sẽ mệt mỏi, dễ căng thẳng vì không ngủ đủ giấc. Tình trạng này kéo dài còn có thể dẫn đến nhiều tác động lâu dài với sức khỏe như suy yếu hệ miễn dịch, tăng cân, dễ mắc bệnh tim và các bệnh mạn tính, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Những nguyên nhân thường gặp gây giật mình nửa đêm gồm:
Phòng ngủ quá nóng
Nhiệt độ phòng và chất lượng giấc ngủ có liên hệ mật thiết với nhau. Để chìm vào giấc ngủ, thân nhiệt cần giảm xuống. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ phòng quá nóng thì thân nhiệt sẽ khó giảm, từ đó gây khó ngủ. Nếu phòng quá nóng thì cũng có thể gây thức giấc nửa đêm.
Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là loại giấc rối loạn giấc ngủ phổ biến, khiến người mắc phải ngừng thở tạm thời trong khi ngủ. Nguyên nhân là do các cơ trong họng giãn ra quá mức, gây tắc nghẽn đường thở. Dấu hiệu thường gặp của ngưng thở khi ngủ là ngáy, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, đôi khi là khô miệng, đau họng vào sáng hôm sau.
Căng thẳng quá mức
Căng thẳng không chỉ gây khó ngủ mà còn là nguyên nhân thường gặp gây thức giấc nửa đêm. Để giảm căng thẳng, mọi người có thể áp dụng một số phương pháp như thiền, bài tập hít thở sâu hay tập thể dục thường xuyên.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Advances in Preventive Medicine phát hiện tập thể dục có thể giúp cải thiện chất lượng và thời lượng giấc ngủ. Thậm chí, chỉ cần đi bộ 10 phút vào buổi trưa hay sau giờ ăn tối cũng giúp giảm căng thẳng.
Tiểu đêm
Tiểu đêm là một trong những nguyên nhân phổ biến làm thức giấc nửa đêm, đặc biệt là ở người cao tuổi. Việc đi tiểu nhiều vào ban đêm không chỉ do uống nước nhiều trước khi ngủ mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo tiểu đường loại 2 hay nhiễm trùng đường tiết niệu, theo Verywell Health.